Xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Liên kết chặt, chuyển đổi số nhanh

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 06:33 - Chia sẻ
Để xây dựng được chuỗi giá trị nông sản, cần thiết lập liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo quốc gia "Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á" ngày 10.9.

Nhiều tầng nấc trung gian

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như thủy sản, gỗ, cà phê, hoa quả… Nông sản nước ta hiện có mặt tại hơn 196 nước. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt 41,25 tỷ USD. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trung bình 9,1%/năm trong 10 năm qua.

	Muốn bảo đảm chuỗi giá trị nông sản cần đẩy mạnh liên kết và chuyển đổi số Nguồn: ITN
Muốn bảo đảm chuỗi giá trị nông sản cần đẩy mạnh liên kết và chuyển đổi số
Nguồn: ITN

TS. Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp nhận định, việc nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, hứa hẹn đem lại những đột phá lớn về chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ cao, quy mô sản xuất. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn gặp thách thức về năng lực sản xuất, sức cạnh tranh... Việc thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành đã tạo ra quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng là tác nhân làm cho các chuỗi giá trị nông sản bị đứt gãy khiến rủi ro thị trường và phi thị trường gia tăng.

“Chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với sự đứt gãy chuỗi giá trị như thế này”, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nói. Theo ông, tác động của dịch Covid-19 rất lớn, làm đứt gãy chuỗi giá trị thực phẩm, gây nên tình trạng thiếu dịch vụ hậu cần, không có việc làm khiến lao động phải di cư, chi phí sản xuất tăng, sản xuất tại chỗ, thái độ tiêu dùng thay đổi… Nếu tình trạng này kéo dài và không có giải pháp bảo đảm chuỗi giá trị thực phẩm, ngành nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững.

Đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi số

Quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; nông sản chế biến trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 50 - 60%; công nghiệp chế biến nông sản trên GDP ngành đạt 20 - 25%; kinh tế số trong nông nghiệp đạt 20 - 25% GDP nông nghiệp...

Để thực hiện các mục tiêu này, TS. Nguyễn Quang Dũng cho rằng trong chuỗi giá trị nông sản, phải xác định mắt xích nào đã đạt, cái nào chưa và vẫn còn tiềm năng cần tập trung nhiều hơn để nâng giá trị. Đặc biệt, liên kết 4 nhà (nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) rất quan trọng. Trong mối quan hệ này, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ giữ vai trò trung tâm, là chất xúc tác gắn kết 4 nhà một cách bền vững. Đây là giải pháp then chốt để xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. “Liên kết các hộ sản xuất để hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác và từ đó liên kết với doanh nghiệp là giải pháp khả thi nhất. Nếu làm tốt, có thể hình thành một nền nông nghiệp tuần hoàn, khép kín để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo TS. Đào Thế Anh, về lâu dài, cần đẩy mạnh hình thành các mô hình chuỗi giá trị theo các hình thức như: Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất liên kết với doanh nghiệp phân phối… Hiện tại, cần tăng cường kết nối thông tin và điều phối chuỗi giá trị, áp dụng an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Trong quá trình phát triển chuỗi giá trị thực phẩm, cần minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc cũng như đa dạng kênh phân phối và thương mại điện tử...

Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để kết nối người sản xuất và tiêu dùng, TS. Nguyễn Hữu Nhuần, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói. Ông khuyến cáo việc phát triển sàn giao dịch nông sản phải lấy doanh nghiệp là nòng cốt, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ mới bền vững.

Hạnh Nhung