Liên kết để cung cấp dịch vụ tiện ích tốt nhất cho khách hàng

- Chủ Nhật, 27/04/2014, 08:59 - Chia sẻ
Sau khi các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, hiện hàng hóa ùn ứ do các phương tiện đường bộ phải hạ tải, cước vận tải tăng, nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng. Thực trạng này đòi hỏi phải giảm tải cho đường bộ trong thờâi gian trước mắt, và xa hơn là cơ cấu lại hoạt động của các đơn vị vận tải, tăng tính liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình vận tải như đường sắt, đường thủy, hàng không và vận tải đường bộ. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM TRẦN NGỌC THÀNH trao đổi về vấn đề này.
 
Nguồn: trangvangvietnam.com

- Hiện nay, hàng hóa, sản phẩm vận chuyển bằng đường sắt chưa nhiều. Tình trạng này được cho là do thái độ độc quyền bao cấp, không chủ động chào đón khách hàng của ngành. Ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Nền kinh tế nước ta hiện được vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng đúng là ngành đường sắt còn tiếp cận tư duy cơ chế thị trường chậm, bị ảnh hưởng của quá trình thời gian bao cấp lâu và hệ thống tư tưởng chung là chờ đợi. Không tự mình năng động và chưa thực hiện nguyên tắc của cơ chế thị trường: khách hàng là thượng đế. Đây không chỉ là đòi hỏi với ngành đường sắt, mà cho tất cả phương thức vận tải ở nước ta. Và là một mục tiêu cần thực hiện được để tiến tới cơ chế thị trường trong tổ chức vận tải. Tức là người làm vận tải phải liên kết với nhau, tìm đến khách hàng, tìm những dịch vụ tiện ích nhất cho khách hàng, để tạo môi trường vận tải liên kết. Nâng cao chất lượng phục vụ, cạnh tranh lành mạnh.

- Để phát triển theo cơ chế thị trường, ngành đường sắt cần có những hành động cụ thể nào trong thời gian tới, thưa Ông?

- Trong thời gian qua, trung cấp, trung gian trong tổ chức vận tải đường sắt là rất lớn. Từ ngày 1.4, Tổng công ty đường Sắt Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án 198 của Chính phủ về tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015. Đã tổ chức gộp 4 đơn vị là vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và liên hiệp sức kéo thành 1 đơn vị vận tải. Chia làm 2 khu vực, tức là gộp 4 đơn vị thành 2 để bảo đảm chủ động từ đầu máy, toa xe, hành khách hàng hóa. Trên cơ sở đó chủ động tác nghiệp, khai thác cơ sở hạ tầng hiệu quả. Song có thể thấy, việc cải tiến tổ chức bộ máy vận tải đường sắt đã thực hiện từ năm 2013 đến nay, để giảm đầu mối trung gian, giúp tiếp cận khách hàng nhanh nhất. Khách hàng đi thuê toa xe của đường sắt không còn phải đến nhiều bộ phận như trước đây.

- Cước vận tải đường sắt bằng thậm chí cao hơn vận tải đường bộ. Vậy bài toán giá cước với ngành đường sắt đang đặt ra như thế nào?

- Theo quy trình chung, giá cước đường thủy là thấp nhất, sau đó đến đường sắt, thứ ba là đường bộ và thứ tư là hàng không. Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước, chúng ta đã quan tâm, nhưng chưa đủ điều kiện quản lý chặt chẽ do vậy việc quản lý phương thức vận tải đường bộ, khi kiểm tra tình trạng quá tải là phổ biến.  Hiện nay, giá cước đường sắt đã quay về quy luật. Giá cước đường sắt chiếm từ 35 đến 50 % giá cước đường bộ. Thật ra không phải đường sắt quay về giá vận chuyển thực, mà đường bộ quay về đúng giá thật của mình. Vấn đề với ngành đường sắt hiện nay là phải có phương thức để chi phí dịch vụ bốc dỡ nằm trong sự quản lý. Vì chi phí vận tải thấp mà chi phí bốc dỡ cao thì không bảo đảm hiệu quả kinh tế chung.

- Điểm yếu của các doanh nghiệp vận tải ở nước ta hiện nay là chưa kết nối thành chuỗi cung ứng dịch vụ. Ở góc độ vận tải đường sắt, thì đã có phương án như nào để khắc phục điều này, thưa Ông?

- Đây là điểm yếu chung trong tổ chức vận tải và liên kết các phương thức vận tải của Việt Nam. Để khắc phục hạn chế này, trước hết cần có quy định pháp lý đối với từng phương thức vận tải, để tạo cơ sở cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Bởi sự kết nối giữa đường sắt với đường bộ, đường sắt với hàng không liên quan đến toàn bộ đầu tư cơ sở hạ tầng. Và đòi hỏi Nhà nước phải có quy hoạch cơ sở hạ tầng. Thực tế, đường sắt bây giờ chỉ quản lý bậc tam cấp nhà ga vào thôi, nên nếu không có bãi xe, hóa trường… thì sẽ không vận chuyển hàng hóa hiệu quả được. Đây cũng là mong muốn của ngành giao thông, vận tải ở nước ta.

- Chúng ta đã nhận thấy mô hình tổ chức và kết nối các phương thức trong cung ứng dịch vụ vận tải đường sắt còn yếu. Thưa Ông, ngành đường sắt đã có những kế hoạch và bước khắc phục nào cho điểm yếu này?

- Để khắc phục hạn chế này, đòi hỏi phải có đầu tư lớn cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo quy định của Luật Đường sắt, kết cấu hạ tầng của đường sắt gồm nhà ga, bãi hàng, hóa trường. Nhưng hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa, kết cấu hạ tầng của ngành đường sắt cũng chịu sự điều chỉnh của một số luật khác. Sắp tới, chúng tôi phải xây dựng đề án và trên cơ sở có chính sách để cụ thể xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ phục vụ cho lưu chuyển hàng hóa. Đường sắt trước mắt sẽ làm tổ chức trọn gói, giữa xếp hàng, tổ chức vận tải, dỡ hàng… Và có liên kết để vận chuyển hàng hóa từ kho đến kho.

- Xin cám ơn Ông!

Hà Nho thực hiện