Ngành Công thương khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ

Liên kết để phát triển

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 15:16 - Chia sẻ
Bất chấp dịch Covid-19, ngành Công thương khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã nỗ lực và đạt những kết quả tích cực trong năm 2020. Tuy vậy, theo Bộ Công thương, công tác phát triển ngành tại 14 tỉnh khu vực vẫn còn những hạn chế nhất định, muốn hoàn hành tốt các nhiệm vụ đòi hỏi phải liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn.

Nhiều kết quả tích cực

Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại hội nghị
Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị giao ban Giám đốc Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ mới đây, Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, 10 tháng đầu năm, thương mại nội địa của khu vực vẫn đảm bảo ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ vẫn giữ được đà tăng trưởng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cũng theo ông Trung, công tác quản lý nhà nước về công thương tiếp tục được tăng cường và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Cung - cầu hàng hoá thiết yếu được đảm bảo, nguồn cung hàng hoá dồi dào, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn... được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường.

“Đối với các công tác khác, nổi bật có công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cũng được ngành Công thương của khu vực chú trọng để duy trì và phát triển. Nguồn kinh phí khuyến công được ưu tiên bổ sung, nội dung phong phú, đa dạng, đã bám sát nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn và thực hiện đúng định hướng, từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh và chủ lực. Các đề án khuyến công đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả”, ông Trung cho biết thêm.   

Ấn tượng với những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá rất cao sự vào cuộc của ngành Công thương đã có nhiều hoạt động đổi mới, bám sát diễn biến Covid - 19, thực hiện đúng mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.  “Có thể thấy, sự liên kết các Sở Công thương trong vùng đã thực hiện ngày càng tốt hơn để hỗ trợ nhau, đặc biệt là kết nối cung cầu, trong khi tình hình xuất khẩu đều bị đứt gãy chỉ trong chờ vào nội địa”, bà Lan nhấn mạnh.

Cơ chế phù hợp cho công nghiệp hỗ trợ

Ngành Công thương khu vực cần liên kết chặt chẽ hơn

Theo Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng Bùi Quang Hải, các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch và hành động. Nếu không có cách làm cụ thể, hiệu quả để tăng tính liên kết, hỗ trợ các địa phương sẽ rất khó để thực hiện các chỉ tiêu của ngành Công thương.

Ông Hải chỉ rõ những vấn đề cần sớm được giải quyết. Thứ nhất, công nghiệp hỗ trợ là vấn đề nhiều địa phương quan tâm nhưng đang khó thực hiện nhất. Do vậy, cần có nhiều cơ chế, mô hình hợp tác hiệu quả hơn nữa để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của địa phương. Thứ hai, phải liên kết ngành như thế nào? Hiện việc xây dựng các đề án liên kết ngành rất lúng túng. Thứ ba, đối với hoạt động thương mại, cần có giải pháp để địa phương nắm bắt thông tin, cảnh báo và định hướng được thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tìm mặt hàng mới, nhất là trong bối cạnh Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa mới hình thành. Cuối cùng, phải có giải pháp cụ thể hơn giúp các địa phương phát triển dịch vụ hậu cần (logistics).

Năm 2020, ngành công thương khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đặt chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu phần lớn các tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 5%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.587 nghìn tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 103,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 116,1 tỷ USD.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, công nghiệp hỗ trợ đã phát triển nhưng đang chịu sự cạnh tranh cao, trong khi tốc độ đổi mới thiết bị tuy tiến bộ nhưng chưa đạt được yêu cầu của sự phát triển. Nghị định 111/2015/NĐ-CP về công nghiệp hỗ trợ đã cũ, Chính phủ đã có Nghị quyết 115/NQ-CP 2020 với nhiều hướng mở tuy nhiên việc triển khai ở các địa phương còn chậm và vướng mắc. Theo bà Lan, bây giờ không  đề xuất sửa Nghị định 111 nữa mà phải nâng lên thành Luật về công nghiệp hỗ trợ thì mới đủ cơ sở để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét sửa Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, vì nhiều nội dung không còn phù hợp.

Theo quy định hiện tại, cụm công nghiệp đầu tiên phải đạt tỷ lệ lấp đầy 50% mới được phát triển cụm công nghiệp thứ hai. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hiền mong muốn nút thắt này được tháo gỡ và có những tiêu chí cụ thể trong việc thành lập cụm công nghiệp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2020 cũng như thời gian tiếp theo, cần đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng ngành công thương giữa các tỉnh, thành phố, đặc biệt về công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị và kết nối cung cầu.

Hạnh Nhung