Nhịp cầu

Liên kết thị trường, bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:23 - Chia sẻ
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trên địa bàn huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn hiện có 421ha diện tích nuôi cá (trong đó có 341ha ao nuôi cá, 80ha ruộng thả cá). Với điều kiện tự nhiên có nhiều suối, khe, nguồn nước sạch, là tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển thủy sản nước ngọt. Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, UBND các xã, thị trấn đã có một số chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển cá rô phi, cá diêu hồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, người chăn nuôi bắt đầu có ý thức đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, xuất hiện một số mô hình nuôi thả theo hình thức bán thâm canh, thâm canh, số lượng và chất lượng sản phẩm thủy sản được nâng cao.

Tuy nhiên, việc phát triển thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Các mô hình thủy sản chủ yếu được nuôi theo hình thức quảng canh là chủ yếu, chưa có sự đầu tư chăm sóc nuôi dưỡng. Một số dịch bệnh chưa được kiểm soát, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngày càng cao, đặc biệt là những nơi có diện tích ao lớn, dễ phát sinh dịch bệnh. Gần đây, Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, dẫn tới nguồn cung thực phẩm bị khan hiếm, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thủy sản phát triển. Để khuyến khích các hộ tận dụng các diện tích thuận lợi nước tưới tiêu chuyển đổi sang nuôi thủy sản, khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh, bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn nhằm đạt các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 10 - Thu nhập và tiêu chí số 13 - Tổ chức sản xuất, việc xây dựng “Đề án khuyến khích hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020 - 2025” rất cần thiết, được đông đảo người dân mong đợi.

Kết quả khảo sát thực tế mới đây của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện tại các xã Yên Phong, Bản Thi, Đồng Lạc, Đại Sảo cho thấy, người dân cho rằng việc HĐND huyện ban hành nghị quyết về việc thông qua Đề án khuyến khích hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2020 -2025 là cần thiết, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, đối với nội dung hỗ trợ 1 lần thức ăn công nghiệp (tương ứng 10% theo định mức kỹ thuật), người dân cho rằng quá thấp, kiến nghị huyện điều chỉnh lên trên 40% theo định mức kỹ thuật. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng cần phân ra 2 loại: Các hộ gia đình, tổ hợp tác có điều kiện tham gia Đề án và các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ đáp ứng điều kiện về ao nuôi, nhân lực để áp mức hỗ trợ theo từng đối tượng.

Người dân cũng kiến nghị, ngoài một số loài cá nuôi truyền thống như: Trắm, chép, rô phi, diêu hồng, cơ quan tham mưu xây dựng Đề án bổ sung một số loài có giá trị kinh tế cao như: Ba ba, cá trê, lươn, ốc nhồi… Đặc biệt, mong muốn huyện có giải pháp liên kết thị trường, bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia để bảo đảm hiệu quả thực sự và bền vững của đề án.

VÂN NGUYỄN