Sổ tay:

Liên thông 4 trong 1

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:26 - Chia sẻ
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Với các quy định tại nghị định này sẽ có 4 thủ tục cơ bản để doanh nghiệp bước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được liên thông.

Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.

Sau khi cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành, nghề kinh doanh, phương thức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của nghị định, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội, thuế không yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Các thông tin về đăng ký doanh nghiệp đã được chia sẻ từ cơ quan đăng ký kinh doanh trừ tên, mã số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan. Khi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Có thể thấy, nghị định ban hành mang lại nhiều lợi ích cả cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Về phía doanh nghiệp, giúp giảm bớt thủ tục hành chính cần thực hiện, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc, tránh được sự nhũng nhiễu, phiền phức không đáng có. Cụ thể: Thay vì thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in tại 4 cơ quan khác nhau (cơ quan đăng ký kinh doanh; quản lý nhà nước về lao động; bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế), doanh nghiệp thực hiện 1 thủ tục duy nhất tại 1 cơ quan (cơ quan đăng ký kinh doanh); giảm đáng kể khối lượng thông tin, biểu mẫu doanh nghiệp phải kê khai với cơ quan quản lý nhà nước do việc tích hợp các thông tin tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, cũng như phương thức nộp bảo hiểm xã hội, đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in, tự in vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Ở góc độ quản lý nhà nước, việc thực hiện liên thông sẽ giúp giảm bớt chi phí về thời gian, nhân lực tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông qua việc tích hợp, liên thông hoặc cơ chế một cửa, chia sẻ thông tin qua mạng điện tử giữa các cơ quan; ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành và vẫn bảo đảm các cơ quan có các thông tin cần thiết, phục vụ cho mục tiêu quản lý do chỉ lược bỏ những thông tin bị trùng lặp và tập trung tích hợp các thủ tục có sự tương đồng với nhau giữa các ngành. Điều đáng nói, không chỉ dừng lại ở những lợi ích thấy được từ việc liên thông; nghị định này còn góp phần thúc đẩy sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan. 

Đình Khoa