Liên thông hay hợp nhất?

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:19 - Chia sẻ
Khẩn trương xây dựng một ứng dụng phòng, chống dịch duy nhất, không chỉ sử dụng riêng tại TP. Hồ Chí Minh, mà sau khi hết giãn cách xã hội sẽ phục vụ cho việc liên thông đi lại trong cả nước, thậm chí đi nước ngoài. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bộ phận thường trực của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 21.9.
	Sẽ có ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 Nguồn: ITN
Sẽ có ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
Nguồn: ITN

Trước đó, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin… về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng cũng đã đề cập tới nội dung này. 

Trong suốt thời gian qua, có rất nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, như Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng triển khai 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm, nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm công cộng bằng QR Code; quản lý tiêm chủng Covid-19; quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; hỗ trợ truy vết; giám sát cách ly; phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Hay như mới đây, ngày 8.9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã triển khai xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID, phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông. Chưa kể, mỗi địa phương, cơ sở y tế còn có những ứng dụng riêng do mình phát triển. 

Tình trạng các ngành, các tỉnh làm ứng dụng dễ dẫn tới lộn xộn về dữ liệu và trước hết là gây rối cho người dùng. Về mặt hiệu quả xã hội và kinh tế, rõ ràng việc phát triển nhiều ứng dụng trùng lặp dẫn đến lãng phí ngân sách, thiếu hiệu quả trong quản lý thông tin phòng, chống dịch bệnh; khó khăn trong kiểm soát sử dụng vaccine, tài nguyên y tế trên quy mô cả nước… Đó là lý do mà nhiều chuyên gia công nghệ từ lâu đã đề nghị xây dựng một ứng dụng dùng chung hoặc hợp nhất các ứng dụng tương tự lại với nhau.

Tất nhiên, việc gộp chung tất cả các ứng dụng vào một sẽ khó khả thi, bởi mỗi ứng dụng giúp giải quyết một bài toán khác nhau, có chức năng khác nhau, phạm vi sử dụng với những đối tượng khác nhau, đồng bộ công nghệ lõi cũng rất khó khăn, do đó, gộp chung sẽ dẫn tới mâu thuẫn nguyên tắc thiết kế. Vì vậy, đáp án khả thi cho vấn đề này là xây dựng một ứng dụng riêng, có liên thông dữ liệu, kết nối giữa các bộ, ngành với nhau.

Nhờ sự liên thông này, người dùng chỉ cần một mã QR, chứa toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng, chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám, chữa bệnh. Người dân sẽ chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng được khuyến nghị và chúng sẽ sinh ra một mã QR, mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên cơ sở dữ liệu như hiện giờ đang làm với quản lý căn cước công dân. 

Thực tế, một số quốc gia gần Việt Nam hiện cũng chỉ sử dụng từ 1 - 2 ứng dụng quản lý sức khỏe. Cụ thể như Malaysia có 1 ứng dụng cho quản lý trong nước và 1 ứng dụng cho người vào từ nước ngoài; Indonesia có 1 ứng dụng nhằm quản lý tất cả thông tin liên quan đến Covid-19 và 1 ứng dụng có khả năng theo dõi di chuyển kết nối với cơ sở dữ liệu chính. Hay như Thái Lan đang sử dụng 2 ứng dụng song đều kết nối vào 1 cơ sở dữ liệu chính. 

Nói như các chuyên gia, nền tảng công nghệ chống dịch giống như một “tòa nhà” cần có bản vẽ thiết kế xác định công năng từng phần rồi mới thi công bài bản… để có sản phẩm cuối cùng tối ưu. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra bất ngờ, các công ty công nghệ Việt tham gia làm một phần theo sở trường của mình, nên khi lắp ghép lại, chưa thể tạo thành một “tòa nhà” to đẹp, bền vững. Chính vì vậy, muốn xây dựng ứng dụng mới, kế thừa tất cả những giá trị mà các ứng dụng trước đó đã có, các bộ, ngành và trung tâm cần khẩn trương ngồi với nhau, để bảo đảm tính thống nhất và giảm thiểu rủi ro bảo mật thông tin.

Đỗ Quyên