Các gói hỗ trợ an sinh

“Liều thuốc” tiếp sức cho người lao động, doanh nghiệp trong đại dịch

- Thứ Hai, 25/10/2021, 20:48 - Chia sẻ
Tại buổi thảo luận ở tổ về “Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021” mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế xã hội, đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, các gói hỗ trợ đã rất kịp thời, hiệu quả khi đưa tiền hỗ trợ tới tay rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tạo ra sự thông thoáng khi rút gọn thủ tục chi trả, giúp các đối tượng tiếp cận nguồn hỗ trợ nhanh nhất có thể.

Bảo đảm lộ trình cụ thể

Chia sẻ ở buổi họp tổ về các chính sách an sinh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác an sinh xã hội năm 2021 được thực hiện rất bài bản, có lộ trình, có bước đi. Ngay vào tháng 4.2021, Bộ đã xây dựng xong Nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội để ngày 1.7 có hiệu lực; đối với chính sách cho người có công, Nghị định 75 có hiệu lực đúng vào ngày 27.7. Chính sách hưu trí cũng được sửa đổi, bổi sung và điều chỉnh lương hưu trước 1995 theo Nghị quyết 134 của Quốc hội (có hiệu lực 1.1.2022).

Gói an sinh xã hội là “liều thuốc” tiếp sức cho người lao động, doanh nghiệp trong đại dịch
Gói an sinh xã hội là “liều thuốc” tiếp sức cho người lao động, doanh nghiệp trong đại dịch

Đáng chú ý, trong đại dịch vừa qua, chỉ với thời gian rất ngắn, Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội đã ban hành các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Trước hết là Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) đã tiến hành rất nhanh, rất khẩn trương và theo Bộ trưởng, giải ngân tương đối tốt. Đến nay, đã có 23 nghìn tỷ cho 25,12 triệu lượt người được thụ hưởng chính sách này.

Với gói hỗ trợ thứ 2, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm, gói 38.000 tỷ đồng là “gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ”, hỗ trợ bằng tiền tươi, thóc thật. Ngay lập tức, trong 5 ngày tiến hành giải ngân, cơ quan chức năng đã “áp sát” được tất cả số liệu - 363 nghìn doanh nghiệp trong tổng số 386 nghìn doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp này cơ bản xong, còn người lao động chuyển tiền ngay vào tài khoản của họ; trường hợp người lao động không có tài khoản thì sẽ mở tài khoản, hoặc hỗ trợ trực tiếp thông qua doanh nghiệp. Có thể nói, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 thủ tục đạt đến mức “không có gì có thể thông thoáng hơn được nữa”. Thậm chí ở TP. Hồ Chí Minh có những người dân không có giấy tờ tùy thân nhưng các cơ quan chức năng vẫn cấp tiền hỗ trợ để giúp họ trang trải cuộc sống” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, giải quyết tồn đọng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn, nhiều áp lực, trong quá trình thực thi ở địa phương, có một bộ phận người dân chưa nhận được chính sách này; hay nói cách khác, chính sách có đến, nhưng khoảng cách nhận được giữa các đợt xa, nên rất khó khăn.

Để đẩy nhanh việc giải quyết các tồn đọng nêu trên, ngày 21.10, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thành phần các đoàn kiểm tra bao gồm, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Các đoàn sẽ kiểm tra tình hình, kết quả và đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.

Cùng với đó, 12 đoàn thanh tra sẽ nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất; tình hình dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tự do; đề xuất các giải pháp khắc phục và phục hồi, phát triển thị trường lao động và các kiến nghị. Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ 21.10.2021 đến hết ngày 3.11.2021.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, Bộ đã và đang xây dựng chương trình phục hồi về lao động. Hiện nay, có 4 loại hình lao động gồm: lao động khu vực FDI; khu công nghiệp, khu chế xuất; lao động ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Đề án về phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp là một nhánh trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.

“Vấn đề lao động sẽ điều tiết theo từng bước trong thị trường. Trước đây không có dịch thì hàng năm, Tết là thời điểm thiếu 10% lao động, năm nay chắc chắn sẽ thiếu nhưng chỉ phục hồi được sau Tết. Trong trường hợp nếu căng thẳng về lao động, đã có phương án để cung cấp khoảng 200 nghìn lực lượng lao động mới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Dương lê