Liều “vaccine” kịp thời!

- Thứ Năm, 05/08/2021, 06:39 - Chia sẻ
Đến thời điểm này, lao động nghèo, ai có mặt tại TP. Hồ Chí Minh thì sẽ được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh sẽ không để ai đói khổ - ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy khi cơ quan này đang đề xuất hỗ trợ đột xuất ngắn hạn với những đối tượng khó khăn. Có thể nói, đây thực sự là liều “vaccine” đối với người lao động nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Trong suốt 2 tháng qua, TP. Hồ Chí Minh đã kiên cường đối phó với dịch Covid-19 hoành hành. Dù không mong muốn nhưng giãn cách xã hội là biện pháp cuối cùng mà thành phố buộc phải áp dụng trên diện rộng, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân, người lao động, nhất là lao động tự do.

Để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn bởi Covid-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục hỗ trợ lần 2 cho những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 344.000 lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động và khoảng 170.000 hộ là những người lao động ở nhà trọ, xóm nghèo... Gói hỗ trợ lần này khoảng 760 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai chính sách hỗ trợ người dân bị tác động bởi đại dịch được thành phố tính đến. Đến nay, có hàng trăm nghìn lao động, hộ kinh doanh đã nhận hỗ trợ từ gói 886 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố và 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Việc đề xuất chính sách, ban hành chính sách và thực thi chính sách của TP. Hồ Chí Minh rất kịp thời, rất đáng để các địa phương khác học tập.

Để đối phó với dịch, người dân rất cần có vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng, đó là cách để bảo vệ tính mạng trước sự nguy hiểm dịch bệnh. Nhưng với diễn biến dịch phức tạp, kéo dài, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, của chính quyền cũng chính là liều “vaccine” rất cần thiết, là sự động viên tinh thần, vật chất rất ý nghĩa để giúp người dân vượt qua đại dịch.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, mọi nguồn chi phải được Quốc hội, Chính phủ tính toán rất chi ly, nhưng thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ban hành. Đó là gói chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lên tới 62 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, để góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lên đến 26 nghìn tỷ đồng.

Và mới đây là chính sách giảm giá điện, nước, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, lệ phí, hỗ trợ khẩn cấp người dân, người lao động và người sử dụng lao động. Có thể khẳng định đó là những chính sách rất cần thiết, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tháo gỡ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Chính sách thì rất hay, nhưng qua triển khai thực tế cho thấy, vẫn còn có những vướng mắc tồn tại, vẫn còn “chỗ nọ, chỗ kia” chưa triển khai kịp thời. Đơn cử, triển khai gói 62 nghìn tỷ đồng, tính đến nay tỷ lệ giải ngân thấp, mới được 36 nghìn tỷ đồng, tương đương 36% tổng mức dự kiến. Do đó, ở lần triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP phải rút kinh nghiệm và triển khai khẩn trương kịp thời hơn. Chủ trương, chính sách hỗ trợ chỉ thực sự có ý nghĩa khi đến đúng, đến sớm với đối tượng được thụ hưởng. Do đó, sự minh bạch quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ là điều rất cần ở thời điểm này.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và các địa phương đã xây dựng và cung cấp 11 biểu mẫu thu thập, tổng hợp báo cáo nhanh hằng ngày tình hình kết quả thực hiện hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 lên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tại địa chỉ: https://baocaochinhphu.gov.vn/ioc/.

Cụ thể có tới 12 nhóm đối tượng, với 99 trường thông tin nội dung báo cáo. Việc cập nhật thông tin, kết quả thực hiện hỗ trợ các đối tượng qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ nhanh hằng ngày nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các lãnh đạo nắm bắt tình hình cũng như có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo việc hỗ trợ cho các đối tượng được nhanh chóng, kịp thời. Qua đó, nắm bắt được nơi nào thực hiện tốt, địa phương nào còn dùng dằng, chậm trễ để có cơ sở xử lý.

Sự minh bạch và đơn giản các thủ tục, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện hỗ trợ sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với chính sách thụ hưởng, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp nhận được "một đồng mà... công nhiều nén”.

Hà An