Trở lại trạng thái bình thường mới

Linh hoạt, an toàn - bước đi từ Bình Dương

- Thứ Tư, 29/09/2021, 07:44 - Chia sẻ
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ cũng thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “zero Covid” là điều rất khó khăn. Bởi vậy, điều cần thiết là phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Thực tế, mở cửa nền kinh tế là chủ trương đúng đắn vì các biến thể của dịch bệnh ngày càng phức tạp và luôn thay đổi, khó triệt tiêu hoàn toàn. Trong khi đó, việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội nói chung và "sức khỏe" của các doanh nghiệp nói riêng. Hơn nữa, hiện nay cả thế giới đều có dịch và các nước đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế khi có vaccine. Vậy nên chúng ta không thể cứ mãi “be bờ” mà buộc lòng phải mở cửa, phục hồi lại các hoạt động kinh tế như thế giới đang làm. Bất cứ sự ngần ngừ, chậm trễ triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ vào lúc này sẽ chỉ khiến thêm nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động và số doanh nghiệp có thể quay trở lại cũng sẽ giảm đi - một đại biểu Quốc hội nêu ý kiến.

Mặt khác, trong Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản...

Những vấn đề này phần nào được "soi chiếu", được làm rõ trong buổi kiểm tra và làm việc với tỉnh Bình Dương của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về các phướng án đưa tỉnh sớm trở về trạng thái bình thường mới. Theo đó, với việc khôi phục sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải nhanh chóng có phương án phục hồi và phải dựa trên nguyên tắc "làm từng bước, chắc chắn và an toàn". Bước đầu, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp, công ty, sau đó là các dịch vụ khác từng bước hoạt động lại. Theo Phó Thủ tướng, hiện nay vấn đề cần quan tâm là khôi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; chú ý hỗ trợ doanh nghiệp phòng dịch thông qua việc tăng cường các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng, tăng cường y tế tư nhân tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp phòng dịch. Khi đạt nhà máy xanh, nơi ở xanh, công nhân xanh thì cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Phải ưu tiên đầu tiên là nhà máy sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, sau đó đến lĩnh vực dịch vụ.

Để thực hiện được việc này, trước tiên tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự có phương án sản xuất; hướng dẫn các doanh nghiệp phối hợp với lực lượng y tế tư nhân để bảo đảm an toàn khi đưa doanh nghiệp vào sản xuất. Nếu có ca nhiễm thì không nhất thiết phải dừng sản xuất mà phải có phương án “bóc” F0 ra nhanh để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Việc này phải lên phương án cụ thể để không lúng túng khi phối hợp, thực hiện - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trước khi các nhà máy mở lại hoạt động sản xuất phải có phương án xử lý tình huống cụ thể như khi phát hiện 1 F0 thì xử lý thế nào? 10 F0 thì xử lý thế nào? Phương án phải cụ thể chứ không phải khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp là đóng cửa toàn bộ. Đặc biệt, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân để sớm miễn dịch cộng đồng, đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới...

Có thể thấy, những vấn đề mà Bình Dương cần thực hiện để có thể trở lại trạng thái bình thường mới cũng là những vấn đề mà nhiều tỉnh, thành phố khác sẽ phải thực hiện. Do vậy, những gì mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để và hiệu quả.

Bình Dương đã thống nhất mở cửa đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới sau ngày 1.10 với phương châm "an toàn tới đâu mở cửa tới đó", "mở cửa phải an toàn". Tỉnh sẽ làm việc với các tỉnh, thành phố khác để thống nhất phương án lưu thông liên tỉnh, đồng thời công bố mở cửa trong phạm vi liên huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi địa bàn quản lý. Từ ngày 1.10, người dân ra đường sẽ được quản lý bằng mã QR-code để kiểm soát dịch bệnh.

Ninh Khương