Linh hoạt phương án kiểm dịch, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:40 - Chia sẻ
Giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm các loại giấy tờ; thực hiện đăng ký trực tuyến, kết nối trực tuyến giám định sinh vật gây hại, trả lời kết quả và thông quan nhanh chóng cho các lô hàng nông sản xuất nhập khẩu; kiểm dịch tại địa điểm thuận lợi cho đơn vị xuất khẩu… Đó là những giải pháp ngành kiểm dịch thực vật áp dụng với mục tiêu cao nhất là không để nông sản ách tắc, chậm thông quan tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường.

Linh hoạt giám sát và xử lý

Với nhiệm vụ chính là kiểm tra, phát hiện nhanh những đối tượng gây hại và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời, công tác kiểm dịch thực vật có vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an toàn các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, năm 2020 khối lượng hàng hóa đã qua kiểm dịch thực vật khoảng 73 triệu tấn, tăng hơn 18 triệu tấn so với năm 2016. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng nhưng công tác kiểm dịch thực vật đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật trong nước và của các quốc gia nhập khẩu.

Cán bộ kiểm dịch thực vật kiểm tra các mẫu trái cây xuất, nhập khẩu
Nguồn: ITN

Theo ông Hoàng Trung, những năm gần đây, lực lượng kiểm dịch thực vật phải đảm nhiệm khối công việc rất lớn khi khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tăng; yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng gây hại trong hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng gắt gao hơn. Cả nước có 9 chi cục kiểm dịch thực vật vùng nhưng chỉ có 300 cán bộ làm trong lĩnh vực này nhưng luôn phải bảo đảm yêu cầu công việc. Vào mùa vụ, xác định cửa khẩu nào có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, thông quan tăng cao, ngành sẽ bố trí, phân công nhân lực thực hiện nhiệm vụ một cách linh động, điều chuyển cán bộ tại các chi cục kiểm dịch thực vật vùng lân cận sang hỗ trợ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trong khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, Cục Bảo vệ thực vật và chi cục kiểm dịch thực vật các vùng đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến; giảm thủ tục hành chính, giảm các giấy tờ… Doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý nhà nước nộp hồ sơ giấy mà chỉ thao tác, khai báo trên internet, có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả mọi lúc, mọi nơi. Điều này giúp rút ngắn thời gian xuất, nhập khẩu cho các lô hàng; tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong thời gian nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Bảo vệ thực vật vẫn bố trí cán bộ làm việc theo ca, thực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ sẵn sàng chi viện cho các cửa khẩu. Cho phép việc giám sát xử lý xuất khẩu tại cảng đối với một số mặt hàng nông sản; bố trí cán bộ làm việc “3 tại chỗ” trong vùng hạn chế đi lại và gửi kết quả để hoàn thành thủ tục kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, bố trí đủ các nguồn lực về tài chính và trang thiết bị, linh hoạt trong việc giám sát xử lý và tại các địa điểm khác nhau, vừa bảo đảm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu vừa bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho các lô hàng xuất khẩu, đơn vị doanh nghiệp cũng không cần có mặt.

Thông quan nhanh giữa cao điểm dịch Covid-19

Thời gian qua, ngành kiểm dịch thực vật chú trọng việc áp dụng công nghệ trong kiểm dịch thực vật, đặc biệt là sử dụng hệ thống kết nối giám định từ xa, rút ngắn thời gian giám định, trả lời kết quả và thông quan nhanh chóng cho các lô hàng nông sản xuất nhập khẩu, giảm bớt khối lượng công việc cho lực lượng kiểm dịch thực vật ở các cửa khẩu. Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 18%, trong đó quả tươi xuất khẩu tăng hơn 25%.

Thực tế, nhiều nước nhập khẩu có xu hướng nâng cao và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19 như tạm thời đóng cửa nhiều cửa khẩu và tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phòng chống Covid-19 nên tốc độ thông quan chậm và chi phí tăng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhận và chuyển các giấy chứng nhận kiểm dịch cho phía đối tác do hạn chế di chuyển. Trước tình trạng đó, để tạo thuận lợi cho các lô hàng xuất khẩu, Phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động liên hệ, làm việc để cơ quan kiểm dịch thực vật tại nước nhập khẩu chấp nhận phương án tạm thời sử dụng bản điện tử giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Việt Nam để làm thủ tục thông quan nhanh chóng cho các lô nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đã kịp thời trao đổi với các nước nhập khẩu để giải quyết các khó khăn vướng mắc, thông tin cho doanh nghiệp và linh động bố trí, tăng cường cán bộ kiểm dịch thực vật, đặc biệt là đối với trường hợp các cửa khẩu đường bộ bị tạm thời ngừng hoạt động được hoạt động trở lại để bảo đảm làm thủ tục kiểm dịch thực vật thuận lợi nhất cho hàng hóa xuất khẩu. Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên thông tin kịp thời cho địa phương để hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu, vườn trồng, cơ sở đóng gói chọn lọc hàng hóa, loại bỏ các loài sinh vật gây hại ngay từ quá trình sản xuất để giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu, giúp thông quan nhanh hơn.

Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) Lê Sơn Hà lưu ý, trước xu hướng các nước ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, siết chặt kiểm dịch hàng hóa, nên xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chúng ta không chủ động chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc từ quản lý sản xuất. Việc đàm phán để thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật, phát triển và mở cửa thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các địa phương, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, người dân phải chủ động và nghiêm túc thực hiện tốt việc kiểm soát các sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, loại bỏ các sinh vật gây hại ngay từ gốc. Việc này nhằm duy trì và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu trái cây của nước ta sang các thị trường trọng điểm, góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam.

Duy Anh