Linh hoạt và an toàn cho lực lượng lao động sớm trở lại

- Chủ Nhật, 10/10/2021, 18:37 - Chia sẻ
Sau khi một số tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã ồ ạt trở về quê. Nhiều ý kiến lo ngại sự dịch chuyển này khó khăn trong kiểm soát dịch lây lan. Mặt khác, cơ sở sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp đối diện với sự thiếu hụt lao động trong những tháng cuối năm.
Hàng chục nghìn người đi xe máy về miền Tây trong những ngày qua
Nguồn: vietnamnet.vn

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Nhiều doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất dịch vụ phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động bị nghỉ việc hoặc phải làm việc giãn cách, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, cuộc sống hàng ngày; đặc biệt người lao động nghèo rất khó khăn. Thời gian kéo dài nhiều người dân đã lựa chọn hồi hương như một giải pháp để giảm gánh nặng mưu sinh. Người lao động ồ ạt về quê có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn sức khoẻ, tính mạng khi di chuyển đường dài bằng phương tiện xe máy. Mặt khác khó kiểm soát an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó sự rời đi của người dân làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay ở nơi đi; đồng thời cũng xuất hiện tình trạng thất nghiệp lao động ở địa bàn đến.

Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần kịp thời điều chỉnh phương thức quản lý hỗ trợ người dân di chuyển an toàn, bớt khó khăn và kiểm soát phòng chống dịch nơi dân đến; đồng thời sớm có những giải pháp để chủ động ứng phó với nguy cơ đứt gãy nguồn lao động để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Để tránh xảy ra thiếu hụt lao động cho doanh nghiệp, mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau đến từng người lao động, tại khu trọ, nơi cư trú, nơi đang làm việc không tự phát rời nơi đang cư trú để về quê; động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.

Một trong những điểm mấu chốt quan trọng để giữ chân người lao động đó là chế độ chính sách tiền lương, thu nhập phải bảo đảm. Tổng Liên đoàn Lao động cũng đề nghị, công đoàn cấp trên chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách “giữ chân” người lao động như: trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Cùng với đó, công đoàn tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Công đoàn cần chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp.

"Việc được tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định.

Sẽ là chưa đủ nếu chính sách hỗ trợ không đi đôi với bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động. Do đó, cùng với chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người lao động, cần sớm xây dựng môi trường làm việc an toàn. Muốn vậy, các địa phương phải bảo đảm kiểm soát tốt dịch; chuẩn bị tốt các điều kiện "chung sống với dịch" an toàn; người dân, người lao động được tiêm đủ mũi tiêm vaccine phòng dịch; cơ chế điều trị kịp thời; cơ sở chữa bệnh và thuốc men sẵn sàng. Cùng với đó là phát hiện, ngăn chặn kịp thời F0 và thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế.

Dịch đang được kiểm soát về cơ bản, môi trường làm việc an toàn trở lại, người lao động đã vượt qua khó khăn cùng doanh nghiệp và sẽ chủ động trở lại nhiều hơn để sản xuất. Như vậy, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ phục hồi sớm. 

Song Hà