Xây dựng thành phố học tập

Linh hoạt và khả thi

- Thứ Tư, 20/01/2021, 06:34 - Chia sẻ
Mặc dù mang lại lợi ích to lớn, nhưng những năm qua, việc xây dựng thành phố học tập ở nước ta không hề đơn giản. Xây dựng thành phố học tập chẳng những đòi hỏi nguồn lực đủ mạnh, kết nối cộng đồng sâu rộng, mà còn phải bảo đảm tính khả thi trong điều kiện thực tiễn Việt Nam còn nhiều khó khăn.

Không phải khẩu hiệu suông

Tháng 9.2019, Việt Nam có 2 thành phố lọt vào danh sách “Thành phố học tập toàn cầu”, đó là thành phố Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp). Trong đợt kết nạp 2 thành phố của Việt Nam vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, có tất cả 54 thành phố của 27 quốc gia đã đủ điều kiện, nâng tổng số thành phố học tập toàn cầu lên con số 229 ở 64 quốc gia. Việc tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” thời gian này có ý nghĩa thời sự đặc biệt. Theo Giám đốc Viện Học tập suốt đời của UNESCO David Atchoarena: “Với mức độ khẩn cấp chưa từng có, đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các hệ thống giáo dục bền vững cho tương lai. Với hơn một nửa nhân loại sống ở khu vực đô thị, thành phố phải là trung tâm của công việc này”.

	Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp, là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt vào danh sách "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO
Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp, là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt vào danh sách "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO

Nhận diện vấn đề xây dựng và phát triển thành phố học tập là một trào lưu thế giới, cũng đồng thời là chiến lược quốc gia để xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, phiên họp do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực tổ chức chiều 19.1 tập trung thảo luận việc “Xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Báo cáo cho thấy, kết thúc những nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2020, trong nước đã hình thành mô hình cộng đồng học tập cấp xã, đã có hàng nghìn xã học tập, phường học tập và thị trấn học tập. Riêng trào lưu xây dựng thành phố học tập, trên thực tế Việt Nam đã tiếp cận từ năm 2013 - 2014, có điều, sau nhiều năm, quá trình này vẫn đầy thách thức, trở ngại.

GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, chỉ ra: “Chúng ta có thể xây dựng các mô hình thành phố xanh, thành phố hạnh phúc, thành phố thông minh, nhưng đó chỉ là những bước đi hướng tới thành phố học tập. Muốn có thành phố học tập, mọi công dân trong thành phố phải là công dân học tập, không có công dân học tập thì thành phố học tập chỉ là khẩu hiệu suông mà thôi”. Để không phải “khẩu hiệu suông”, theo GS. Phạm Tất Dong, xây dựng thành phố học tập cần được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, sao cho có tính khả thi trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, nhưng vẫn phải tiệm cận hướng đi của quốc tế.

Xuất phát từ thực tiễn

Danh sách các thành phố của Việt Nam lọt vào “Thành phố học tập toàn cầu” từng có một cái tên nữa - TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban Phong trào, Hội Khuyến học Việt Nam, nhắc lại: “Trong 10 thành phố đăng ký với UNESCO, Hải Dương cũng lọt vào danh sách, nhưng sau đó không còn tên nữa. Vì hàng năm thành phố này không báo cáo UNESCO, vì tâm lý tập trung vào năm đầu là xong, là đủ”. TS. Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nối tiếp: “E rằng cả Vinh, Sa Đéc một vài năm sau cũng rơi vào tình trạng như Hải Dương. Do đâu? Bởi câu chuyện xây dựng thành phố học tập chưa được gắn với lợi ích. Để người ta phấn đấu, đạt được mục đích, thì phải cho họ thấy lợi ích của nó. Lợi ích đó phải đi đôi với việc đưa ra những quy chuẩn đánh giá rõ ràng, còn nếu chỉ khơi khơi, chỗ này công nhận, chỗ kia công nhận, sẽ chỉ mang tính nhất thời”.

Thực tế, khi đăng ký với UNESCO tham gia mạng lưới Thành phố học tập, các thành phố đã căn cứ theo bộ tiêu chí đánh giá công nhận do UNESCO đưa ra, xoay quanh 3 tiêu chuẩn cơ bản: Lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập; Những cột trụ chính của thành phố học tập; Những điều kiện cơ bản để xây dựng thành phố học tập. Có 42 tiêu chí để thực hiện được 3 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chí lại gồm nhiều chỉ số đánh giá. Nhiều ý kiến nhận định, một bộ tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng chính là chìa khóa để đẩy mạnh xây dựng thành phố học tập, song quá trình này ở Việt Nam không hề đơn giản.

Từ thực tiễn cơ sở, PGS.TS. Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho rằng: “Thành phố muốn phát triển thì giáo dục phải đi trước một bước. Xây dựng thành phố học tập là mong muốn của địa phương, nhưng chúng tôi cần có tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của mình cũng như có mô hình điểm để học tập”. Còn theo PGS.TS. Phạm Đức Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục phát triển, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Để chuẩn hóa các tiêu chuẩn của UNESCO vào điều kiện Việt Nam quả thực khó. Khó nhưng cũng phải làm, bằng cách xây dựng một bộ chuẩn có thể ở mức thấp hơn nhưng khả thi trong bối cảnh đặc thù của ta”.

Có thể thấy, việc Việt Nam đã hoàn thành mô hình cộng đồng học tập cấp xã chính là nền tảng ban đầu để thúc đẩy mô hình học tập ở các cấp cao hơn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Xây dựng thành phố học tập là quá trình phấn đấu đầy thách thức, trở ngại, nhưng dừng bước trước khó khăn thì buộc phải chấp nhận tụt hậu. Trước mắt, chúng ta cùng nhìn nhận rằng, xây dựng thành phố học tập phải liên thông hội nhập với tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế, nhưng cũng cần linh hoạt, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để tiến lên, tiệm cận với thế giới”.

Thái Minh