Sổ tay:

Loại bỏ “giấy phép con” văn bằng, chứng chỉ

- Thứ Năm, 19/11/2020, 06:55 - Chia sẻ
Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số… nhiều năm qua trở thành gánh nặng đối với không ít cán bộ công chức, viên chức... mỗi khi thi tuyển nâng ngạch, thăng hạng. Nhiều ý kiến cho rằng: những quy định về văn bằng, chứng chỉ với công chức, viên chức chính là những “giấy phép con” trong công tác cán bộ. Để loại bỏ tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân một lần nữa khẳng định: Tới đây sẽ không còn tình trạng "thi nhau đi học ngoại ngữ, tin học...”.

Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ là yêu cầu bắt buộc và cần thiết. Đặc biệt đối với nhiều ngành nghề, cán bộ công chức, viên chức muốn thi nâng ngạch, thăng hạng, một trong những yêu cầu bắt buộc cán bộ phải có đó là trình độ ngoại ngữ, tin học... Đơn cử, theo Thông tư liên tịch số 11 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên... các phóng viên hạng 3 sẽ phải có 5 loại giấy tờ: Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, xuất bản trở lên; Trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2), sơ cấp lý luận chính trị trở lên; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phóng viên hạng III...; nếu không có Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, thì phải có thêm Chứng chí bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Bình luận về vấn đề này, không ít chuyên gia nhận định: những quy định về văn bằng, chứng chỉ với công chức, viên chức chính là những “giấy phép con” trong công tác cán bộ. Cụ thể, đối với những quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phóng viên hạng 3 như nêu trên vô hình trung dẫn đến thực tế là có những nhà báo đã làm việc hàng chục năm trong nghề, thậm chí giành nhiều giải báo chí, nhưng tốt nghiệp chuyên ngành khác như sư phạm, luật, kinh tế... giờ phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đủ thủ tục, điều này là không hợp lý.

Yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ là cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, song quy định phải hợp lý, tùy từng đối tượng cụ thể, chứ chỉ để cho đủ điều kiện về mặt hồ sơ để thi tuyển nâng ngạch, bởi thực tế đã có không ít cán bộ vừa làm việc, vừa dành thời gian đi học chứng chỉ một cách đối phó... nên chất lượng chứng chỉ không thực chất. Bản thân người học cũng không để tâm học, bởi dù có học nhưng học xong không dùng đến, không mang lại lợi ích cho công việc, chỉ để làm đẹp hồ sơ, gây lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc đối với cán bộ.

Để giải quyết câu chuyện văn bằng, chứng chỉ khi thi nâng hạng, nâng ngạch, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: Tới đây sẽ không còn câu chuyện “cử tri thi nhau đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để hoàn thành hồ sơ viên chức”. Trong quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ đều tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạn viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Hiện, việc tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí, sẽ không yêu cầu chứng chỉ nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng thể hiện trong các kỳ thi, kiểm tra trên máy vi tính. Đây thực sự là tín hiệu rất đáng mừng. Tin rằng, từ quy định chung và sự vào cuộc tích cực của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, chắc chắn việc nhanh chóng cắt giảm những chứng chỉ, văn bằng trong công tác cán bộ sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, giảm thời gian, chi phí không cần thiết cho cán bộ, công chức.

Hải Thanh