Phát triển bền vững năng lượng quốc gia

Lời giải bài toán “thiếu, thừa”

- Thứ Năm, 15/04/2021, 09:20 - Chia sẻ
Trong thời gian vừa qua, điện mặt trời đã có sự phát triển bùng nổ góp phần bổ sung nguồn điện quan trọng, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do tính chất bất định và phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, lần đầu tiên Việt Nam phải lo lắng “thừa” nguồn điện này sau hơn một thập kỷ lúc nào cũng lo “thiếu điện”. Báo Đại biểu Nhân dân đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam để làm rõ thêm về vấn đề này.

Nguồn năng lượng ưu việt

-Thưa ông, được biết công ty được thành lập từ năm 2001 và đến nay đã đầu tư thành công một số dự án về nước, điện gió, điện mặt trời. Vậy, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của các dự án điện mặt trời trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ?

Cơ cấu công suất nguồn điện toàn quốc năm 2020. Nguồn: Viện Năng lượng, Bộ Công thương

Theo Quy hoạch điện VIII, có một phần gọi là đánh giá về hiện trạng, tình hình năng lượng điện quốc gia, tại đây các tác giả cũng đã nhìn nhận và đánh giá một cách rất khoa học và khách quan về đóng góp của điện mặt trời.

Ví dụ, theo Quy hoạch điện VII thì đến năm 2020, điện gió và điện than đều không đạt quy hoạch, mà không đạt quy hoạch như thế thì chúng ta sẽ bị thiếu năng lượng cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tăng trưởng điện năm 2020 không cao như các năm trước, nhưng nếu chúng ta không có điện mặt trời để bù lại thì rõ ràng sẽ thiếu hụt điện, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, vì điện than và điện gió chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 70% so với kế hoạch. Còn về nguồn điện mặt trời thì đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện mặt trời đạt đến khoảng 18.000 MW, gấp 8-9 lần công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tất nhiên đây chỉ là công suất nhà máy, còn nhà máy thủy điện có khả năng phát điện 24/24 thì lượng điện sản xuất ra sẽ nhiều hơn so với nhà máy điện mặt trời (chỉ hoạt động 5-6 tiếng/ngày).

Có thể thấy điện mặt trời ưu việt hơn so với các nguồn năng lượng khác rất nhiều, đặc biệt là so với nhiệt điện than như có thể cải thiện chất lượng không khí, thân thiện với môi trường, tận dụng được tài nguyên sẵn có của mặt trời, không bị hao phí, lãng phí... Vì vậy, theo tôi chúng ta nên tiếp tục phát triển năng lượng mặt trời để có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và nếu có chính sách tốt sẽ thu hút được càng nhiều nhà đầu tư với tiềm năng đầu tư rất lớn.

Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân

-Ông có thể chia sẻ một số ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm học hỏi được từ các nước phát triển trong quá trình triển khai các dự án điện mặt trời ?

Trong 10 năm vừa qua thì liên tục có những cải tiến về công nghệ liên quan đến các tấm pin quang học thu điện (pin năng lượng mặt trời). Việc này đã làm cho giá thành của các tấm pin mặt trời hiện nay đã rất rẻ, càng ngày càng rẻ. Vì vậy mặc dù giá mua điện mặt trời hiện nay chỉ 7,09 cent (so với trước đây là 9,35 cent), sắp tới có thể tiếp tục giảm nhưng các nhà đầu tư vẫn có thể đáp ứng được, vì giá các tấm pin bây giờ so với những thời kỳ đầu đã giảm khoảng 45-50%. Ngoài việc công nghệ làm giá thành rẻ đi thì còn tiết kiệm vật liệu và càng ngày càng thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, còn có công nghệ khác “hay” hơn mà bản thân là nhà đầu tư như tôi cũng vô cùng “tâm đắc”. Nó hay ở chỗ là vì công nghệ điện mặt trời của chúng ta hiện nay đang làm gọi là "quang điện mặt trời" chỉ phát điện 5-6 tiếng ban ngày nhưng không phát ban đêm. Còn công nghệ mới này là công nghệ "nhiệt điện mặt trời", tức là thu năng lượng từ mặt trời, rồi tạo thành nhiệt, nhiệt nung nóng làm quay tua bin phát điện, công nghệ này có thể phát điện 24/24.

Thậm chí khi chúng tôi sang Israel nghiên cứu thì các nhà đầu tư, các nhà công nghệ Israel còn cam kết rằng có thể lưu trữ được nhiệt trong vòng ba tháng chứ không phải là chỉ phát trong một ngày. Chúng tôi đang nghiên cứu về công nghệ này nhưng không may là đến cuối năm 2019, khi định mời chuyên gia Israel sang để làm thí điểm một dự án tại miền Trung thì gặp dịch Covid-19 bùng phát, họ vẫn chưa sang được, tôi rất kỳ vọng khi chúng ta áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới thì họ sẽ có thể tiếp tục sang được Việt Nam để nghiên cứu, thử nghiệm.

Nếu chúng ta thực hiện được công nghệ này thì chính là một bước tiến lớn trong phát triển năng lượng quốc gia, vì ngoài việc phát điện 24/24, công nghệ này còn giúp làm giảm tình trạng quá tải cục bộ cho lưới điện quốc gia vào ban ngày, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thời điểm phát điện, không khác gì nhiệt điện than bình thường mà còn không gây hại cho môi trường. Vì vậy, tôi nghĩ Chính phủ nên ưu tiên, khuyến khích cho công nghệ này.

Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Lễ khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang do công ty CP Halcom Việt Nam làm chủ đầu tư vào tháng 3.2021

Sẵn sàng thực hiện sứ mệnh đi tiên phong

-Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA). Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ?

Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta làm sớm được điều này thì vô cùng tốt, bởi vì người mua, người bán có thể mua bán trực tiếp với nhau và không cần phát điện  lên lưới, giảm áp lực cho hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ phải kiểm soát giá mua, bán để không bị thất thoát thuế và cũng không có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Thậm chí, nếu có thể mua bán điện trực tiếp còn có thể thu hút đầu tư của một số vùng tuy không có ưu thế về nông nghiệp nhưng có nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể xây dựng nhà máy sản xuất điện ở đó, làm phát triển kinh tế cho cả địa phương.

-Theo ông thì cần có những giải pháp gì để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện mặt trời như hiện nay ? 

 Theo tôi thì nguồn điện nào cũng có mặt thuận và mặt không thuận. Ví dụ như là điện gió cũng phải theo mùa, gió năm yếu, năm khỏe. Điện mặt trời chỉ phát ban ngày, không phát ban đêm. Thủy điện cũng căn cứ vào mực nước, mùa mưa, thủy văn từng năm. Điện than chúng ta phải nhập khẩu, phụ thuộc vào nước ngoài, mà còn chịu ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường. Các nguồn điện khác, như điện hạt nhân chẳng hạn thì rất rẻ, rất ổn định nhưng để quản lý thì lại là một thách thức đối với chúng ta.

Tôi chỉ hy vọng rằng khi mà khoa học ngày càng phát triển, công nghệ thông tin sẽ được áp dụng vào vận hành mạng lưới truyền tải. Ví dụ như hệ thống tự động hoàn toàn thì lúc mà điện mặt trời, điện gió đang truyền tải điện lên lưới thì các nguồn điện khác sẽ giảm tải đi. Hiện nay, hệ thống điều tiết lưới điện của chúng ta khá thủ công bằng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thiếu sự minh bạch, gây e ngại đối với các nhà đầu tư.

Hiện nay, đối tác Nhật Bản của chúng tôi cũng đang rất muốn nghiên cứu mô hình tích hợp giữa điện mặt trời và điện gió. Thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã tiếp cận 1 số địa phương cho phép thực hiện thử nghiệm nghiên cứu mô hình này. Tuy nhiên, phía địa phương còn đang lo lắng về hiện tượng quá tải của điện mặt trời như ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Khi nào chúng tôi phát triển xong dự án tích hợp điện gió – điện mặt trời thì sẽ tiến hành thử nghiệm mô hình này. Ngoài ra, có thể kết hợp cả công nghệ nhiệt điện mặt trời của Israel thì sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải cục bộ của lưới truyền tải.

Những dự án thử nghiệm ban đầu như thế có thể không mang lại lợi nhuận nhưng sẽ tạo tiền đề để chúng ta làm tiếp cho các dự án khác phục vụ sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia. Đôi khi các doanh nghiệp không chỉ hoạt động vì lợi nhuận mà còn phải thực hiện sứ mệnh của mình để phục vụ nền kinh tế của cả đất nước và nhân dân. Halcom sẵn sàng đi tiên phong và thực hiện sứ mệnh này.

Càng ngày công nghệ sẽ càng hiện đại. 20 năm trước có lẽ chúng ta không thể tin rằng có một nền công nghiệp sản xuất điện mặt trời như hiện nay. Chính vì thế, nhờ có định hướng của Chính phủ và sự phát triển của khoa học cả trong nước và trên thế giới thì 20 năm sau, tôi tin chúng ta có thể đạt thành tựu lớn hơn nữa trong lĩnh vực điện mặt trời, trong đó có việc khắc phục được những nhược điểm của điện mặt trời như hiện nay.

Chúng ta phải dựa vào công nghệ thì mới đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, còn nếu chỉ đi theo các quốc gia trong khu vực thì khó có thể bứt phá được. Đây là con đường để chúng ta có thể đạt được chỉ tiêu đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII vừa qua, là đến năm 2045 chúng ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây chính là cách chúng ta “chạy tắt, đón đầu” để vươn tới một đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng