Long An: “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn phòng dịch

- Thứ Năm, 29/07/2021, 10:17 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Long An đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” để phòng, chống dịch và duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp bảo đảm “3 tại chỗ”

Triển khai thực hiện “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm sản xuất, cũng như phòng chống dịch, tính đến ngày 21.7, toàn tỉnh có 797 doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” gồm 150 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, 437 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp ngoài. Các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra, thẩm định chặt chẽ, bảo đảm quy định phòng, chống dịch cũng như các điều kiện cho công nhân, lao động ở lại.

Công nhân làm việc trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”
Công nhân làm việc trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tại các cụm công nghiệp, có 250 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”. Tính đến ngày 21.7, sau khi thẩm định, chỉ có 150 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động. Các vấn đề doanh nghiệp không được phê duyệt đủ điều kiện hoạt động là nơi ăn, ở, vệ sinh chưa bảo đảm giãn cách; không có hàng rào khuôn viên riêng; chưa tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ lao động ở tại công ty... Trong quá trình từ đây đến hết thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp nào có F0, F1 thì phải tạm dừng hoạt động theo quy định.

Là một trong những đơn vị đang thực hiện “3 tại chỗ”, Giám đốc Nhà máy Nhựa Bình Minh, Chi nhánh Long An (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức) Nguyễn Đình Toàn cho biết, nhà máy có khoảng 500 lao động, lực lượng ở lại chỉ khoảng 1/3 tổng số lao động. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho công nhân làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại chỗ; tổ chức kiểm soát để công nhân không tùy tiện ra ngoài. Bên cạnh đó, công nhân phải tuân thủ các quy định, hạn chế tiếp xúc trong quá trình làm việc, sinh hoạt.

Tương tự, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức) có 1.200 công nhân lao động, trong đó có 474 công nhân ở lại. Hàng tuần, Công ty đều tổ chức xét nghiệm nhanh trên 20% số lượng công nhân ở lại. Ngày 22.7, Công ty cũng tổ chức xét nghiệm PCR, kết quả 100% công nhân lao động đều âm tính với SARS-CoV-2. Những người ở lại thì ngoài hưởng lương theo quy định, Công ty còn hỗ trợ 3 bữa ăn, bảo đảm đồ dùng thiết yếu và được khuyến khích thêm 140.000 đồng/người/ngày.

Duy trì xét nghiệm định kỳ cho công nhân
Duy trì xét nghiệm định kỳ cho công nhân

Chung tay chống dịch

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One Nguyễn Ngọc Quan, thực hiện “3 tại chỗ” công ty rất chú trọng tầm soát, bảo vệ sức khỏe công nhân. Bởi, một khi xuất hiện ca dương tính sẽ phải dừng hoạt động, lúc đó thiệt hại kinh tế còn cao hơn rất nhiều. Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp cần ý thức, chung tay cùng chính quyền, phòng, chống dịch là trách nhiệm chung, không phải của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6619/UBND-VHXH, ngày 11.7.2021 đề nghị xây dựng và thực hiện tổ chức sản xuất phương châm “3 tại chỗ - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ” nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được liên tục, an toàn trong thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” giúp Công ty TNHH In Đỉnh Cao (huyện Bến Lức) duy trì sản xuất. Trưởng phòng Nhân sự Lý Hồng Hy chia sẻ, trong bối cảnh toàn tỉnh cũng như cả nước đang phải “căng mình” chống dịch, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng không ngoài cuộc trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Công ty luôn nỗ lực đồng hành, tuân thủ các quy định phòng dịch, phối hợp thật hiệu quả cùng chính quyền để dịch bệnh sớm qua đi. Khi đó, doanh nghiệp lại tiếp tục an tâm sản xuất, kinh doanh.

Nhấn mạnh các biện pháp quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đã và đang góp phần từng bước kiểm soát dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cho hay, hiện chỉ sản xuất ở mức “cầm chừng” để bảo đảm nguồn hàng cung ứng do nhu cầu thực tế của thị trường đều giảm rõ rệt và số lượng công nhân ở lại có giới hạn. Nói cách khác, để duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh phức tạp là một thách thức không hề nhỏ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, nỗ lực cùng tỉnh “chiến đấu” trong “cuộc chiến” cam go này. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều ý thức được trách nhiệm của mình trong thời gian này để cùng chung tay chống dịch.

Nhật Phương