Long An bảo đảm “mục tiêu kép” cho năm học mới

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 07:15 - Chia sẻ
Năm học mới 2021 - 2022 được xác định là một năm học đặc biệt, với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, dự liệu các phương án tổ chức dạy và học thích ứng phù hợp tình hình. Cùng với các địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tỉnh Long An đang ráo riết chuẩn bị cho năm học mới với “mục tiêu kép” là phải vừa bảo đảm việc dạy học tuyệt đối an toàn, vừa hoàn thành chất lượng kế hoạch năm học đã đề ra.

Dạy và học thích ứng trong điều kiện mới

Tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh đang có tín hiệu khả quan, với số ca nhiễm những ngày gần đây giảm, trung bình còn dưới 300 mỗi ngày, phần lớn là trong các khu cách ly, phong tỏa; số ca điều trị khỏi tăng cao với trên 23.000 ca trong tổng số gần 30.000 ca nhiễm. Long An được xếp vào nhóm các địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; từng bước nới lỏng mức độ giãn cách xã hội linh hoạt, phù hợp theo từng địa bàn, nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nóng vội.

Để bảo đảm an toàn, tỉnh sẽ tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 vào 9h sáng 17.9 tại một điểm trường duy nhất là Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường) và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, sau Lễ khai giảng, khoảng 311.000 học sinh của gần 600 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào một năm học mới đặc biệt so với các năm trước. Trước mắt, học sinh cấp THPT (kể cả hệ GDTX) sẽ bắt đầu học từ ngày 20.9 với các hình thức linh hoạt, phù hợp, trong đó học trực tuyến là chủ đạo kết hợp với học qua truyền hình, kho học liệu, qua Internet…; đối với học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS (kể cả hệ GDTX) sẽ học trực tiếp tại trường từ ngày 4.10. Tùy vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh phương án, hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp. 

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Trương Văn Nam phát biểu khi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo

Không để học sinh nào ở lại phía sau

Khảo sát, làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai năm học mới 2021 - 2022, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã ghi nhận khó khăn của ngành để kiến nghị với các cơ quan liên quan kịp thời xem xét, tháo gỡ như: Liên quan đến việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho đội ngũ giáo viên và cho học sinh từ 12 tuổi trở lên; việc sắp xếp mạng lưới trường lớp học gắn với xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; khó khăn khi tuyển dụng giáo viên trong điều kiện dịch bệnh; khó khăn về trang thiết bị, kết nối hệ thống mạng khi chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Đặc biệt, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có những gợi mở, đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp thật tốt với các sở ngành liên quan và địa phương chủ động nắm bắt tình hình để dự liệu nhiều phương án, hình thức tổ chức dạy học đa dạng, linh hoạt, an toàn, hiệu quả, phù hợp thực tế diễn biến dịch bệnh và khả năng tiếp cận, thích nghi cách thức dạy học mới ở từng cấp học, từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh học sinh; chuẩn bị tốt các nền tảng học trực tuyến và kho học liệu đầy đủ; rà soát các trường hợp học sinh là F0, F1, F2 để động viên, giúp đỡ kịp thời; đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, không để bất kỳ học sinh nào vì lý do thiếu tập, sách, thiết bị mà bị bỏ lại phía sau, không thể tiếp tục học tập như các bạn cùng trang lứa; thực hiện việc miễn học phí học kỳ 1 cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Đồng thời, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là khu vực khó khăn; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm phân bổ, điều hòa hợp lý giữa các trường, các địa phương, không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh sau THCS.

Bước vào năm học mới 2021-2022 với rất nhiều khó khăn chưa có tiền lệ, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và toàn xã hội phải cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm nhiều hơn nữa, “biến nguy thành cơ”, chủ động, nhanh nhạy, sáng tạo, thích ứng kịp thời; cùng chăm lo, dành những tình cảm thương yêu, những điều tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu - chủ nhân tương lai của đất nước, để các em được học tập đầy đủ trong mọi hoàn cảnh và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Bài và ảnh: CÔNG THÀNH