Long An phát huy sức mạnh trong liên kết, tiêu thụ nông sản

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 06:03 - Chia sẻ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nơi nào hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả thì nơi đó tạo ra được khu sản xuất tập trung, cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lớn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, khắc phục nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.
Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18.3.2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ước tính đến 31.12.2021, toàn tỉnh Long An có 277 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ là 377 tỷ đồng. Trong đó, có 215 hợp tác xã nông nghiệp, 62 hợp tác xã phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã đang hoạt động là 247 hợp tác xã, ngừng hoạt động 30 hợp tác xã.

Bên cạnh đó, sau gần 3 năm triển khai, thực hiện xây dựng 16 hợp tác xã điểm và 4 hợp tác xã điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 3 cây, 1 con (cây lúa, thanh long, rau và con bò), ngành nông nghiệp Long An đạt được nhiều tín hiệu tích cực, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường.

Hợp tác xã Nông nghiệp 1/5 (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) được chọn để xây dựng hợp tác xã điểm, với 88 thành viên, vốn điều lệ 649 triệu đồng, diện tích sản xuất 310ha. Hàng năm, UBND huyện hỗ trợ gần 200 triệu đồng để hợp tác xã thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 50ha. Theo đó, hợp tác xã đã tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy, bón phân, phun thuốc; 100% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng làm giảm mức tổn thất sau thu hoạch, tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa. Việc ứng dụng quy trình canh tác lúa theo VietGAP 50ha, hữu cơ được nông dân thực hiện ngày càng nhiều.

Là một trong những hợp tác xã được chọn làm điểm điển hình về cây thanh long, hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) có khoảng 545 thành viên (trong đó 115 hộ thành viên chính thức), chia thành 19 tổ hợp tác, sản xuất 352ha. Toàn bộ thành viên đều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó có 66ha đạt chuẩn VietGAP; nông dân được hỗ trợ 30% các sản phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Ngoài ra, hợp tác xã cũng được hỗ trợ 30% chi phí mua bóng đèn compact ánh sáng đỏ 20W với định mức hỗ trợ 420 bóng/ha.

Cũng nằm trong kế hoạch xây dựng hợp tác xã điểm điển hình, hiện nay, hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) đã kiện toàn bộ máy tổ chức, có trụ sở hoạt động, nhà sơ chế đầy đủ. Đặc biệt, hợp tác xã và các thành viên đã cam kết sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích khoảng 30ha, trong đó 16,59ha ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (có nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm tự động và sử dụng phân hữu cơ vi sinh). 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, dự kiến, đến ngày 31.12.2021, có khoảng 4.630 thành viên hợp tác xã. Số lượng thành viên bình quân 1 hợp tác xã là 25 thành viên. Tổng vốn điều lệ hợp tác xã hiện tại là 159.203 triệu đồng, bình quân 1 thành viên góp khoảng 35 triệu đồng.

Bảo đảm đầu ra cho nông sản

Không chỉ góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, các hợp tác xã cũng bảo đảm đầu ra cho nông sản, không bị ùn ứ, thậm chí còn có lợi nhuận như Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa), Hợp tác xã Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), Hợp tác xã Hương Trang (huyện Mộc Hóa), Hợp tác xã Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc),…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, sau đại dịch, các thành viên hợp tác xã và nông dân có cách nhìn đúng về vai trò của hợp tác xã trong nền nông nghiệp hiện đại. Cụ thể, trong đợt dịch thứ 4, hợp tác xã không chỉ thu mua nông sản của các thành viên trong hợp tác xã mà còn giải cứu hàng trăm tấn nông sản của nông dân trong và ngoài huyện. Để làm được điều này, Chủ nhiệm các hợp tác xã đã phải chủ động thực hiện các thủ tục cần thiết cũng như liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ nông sản. 

Không chỉ thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, góp phần tạo điều kiện cho hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) còn thực hiện hợp đồng liên kết với các công ty, siêu thị trong và ngoài tỉnh, với tổng diện tích 30ha (trong đó 7,22ha sản xuất theo quy trình VietGAP), sản lượng tiêu thụ hơn 1.800 tấn/năm. Hợp tác xã thực hiện các dịch vụ mua bán rau, củ, quả, vật tư, phân bón, dịch vụ tiệc cưới và kinh doanh xe tải vận chuyển rau; tổ chức thu mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thương lái bên ngoài. 

Tương tự, với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành), song song với việc tích cực vận động người trồng thanh long chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; bước đầu, hợp tác xã sẽ hỗ trợ mỗi hecta thanh long từ 400 - 500kg phân vi sinh và cam kết hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg...

Thảo Mộc