Lòng dân là điểm tựa

- Chủ Nhật, 18/07/2021, 05:39 - Chia sẻ
Gửi gắm kỳ vọng với các đại biểu Quốc hội Khóa XV, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho rằng, nghị trường chỉ có một đích đến là lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Nếu đại biểu phát biểu đúng, trúng, thực sự vì nước, vì dân thì cử tri và Nhân dân sẽ luôn ghi nhận, trân trọng. Mỗi đại biểu Quốc hội phải lấy lòng dân làm điểm tựa, và thể hiện điều đó ngay từ Kỳ họp thứ Nhất tới đây.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020

Ảnh: Q. Khánh 

Tăng chuyên trách, giảm kiêm nhiệm là tất yếu

-  Chỉ ít ngày nữa, Quốc hội Khóa XV sẽ chính thức khai mạc Kỳ họp đầu tiên. 499 đại biểu Quốc hội Khóa XV được đánh giá là có mặt bằng trình độ, học vấn hơn, các tiêu chuẩn để tuyển chọn cũng khắt khe hơn. Điều này theo ông có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của Quốc hội? 

Nguồn: ITN


Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có thành tựu riêng, đổi mới riêng. Khóa XIV có nhiều đổi mới trong tổ chức kỳ họp, trong lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia, được cử tri, người dân đánh giá cao. Nhưng cuộc sống vận động không ngừng, yêu cầu của cử tri ngày càng cao nên cũng đòi hỏi Quốc hội phải luôn đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự đổi mới, hiệu quả hoạt động của Quốc hội chính là đại biểu Quốc hội. Do vậy, trong nhiệm kỳ Khóa XV cũng cần nghiên cứu có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội, phải đánh giá đúng thì mới phát huy được ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến của đại biểu Quốc hội.

Nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông

- Các đại biểu Quốc hội Khóa XV đều có trình độ khá cao, đại đa số có trình độ trên đại học. Điều này cho chúng ta hy vọng về chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ cao hơn. Mặt khác, nhiều đại biểu là những người từng trải, qua nhiều năm công tác nên có kinh nghiệm và sự va chạm với cuộc sống nhất định. Để tham gia hiệu quả vào thảo luận về kinh tế - xã hội, dự án luật, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thì cần có những người từng trải, đã từng thực hiện những công việc đó.

Đại biểu Quốc hội trẻ có thể phản ánh một phần tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ, giúp Quốc hội có cơ cấu đồng bộ, có tiếng nói đầy đủ ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhưng quan trọng nhất là chất lượng thực hiện các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội. Vì vậy, bên cạnh Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là những chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, thì cũng cần đại biểu kiêm nhiệm công tác ở địa phương là người từng trải, có bề dày kinh nghiệm. Họ chính là những người có thể phát hiện ra các vướng mắc trong cuộc sống, yếu kém trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. 

Đây là điểm tôi thấy rất phấn khởi khi nhìn vào danh sách 499 người trúng cử vừa được xác nhận đủ tư cách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tất cả còn ở phía trước, cần phát huy tiềm năng, trí tuệ, năng lực của từng đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách để đóng góp hiệu quả nhất cho hoạt động của Quốc hội.

- Tỷ lệ đại biểu chuyên trách Khóa XV tăng cao nhất trong các nhiệm kỳ vừa qua. Đây là nền tảng cơ bản để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thưa ông? 

- Nhìn vào danh sách đại biểu Quốc hội Khóa XV có thể vui mừng nhận thấy các cơ cấu định hướng lần này đều ở mức cao như tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số... đặc biệt là cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhiều nhiệm kỳ trước đây, chúng ta đã kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách nhưng chưa thực hiện được. Lần này tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã đạt gần 40%, có thể coi đây là một điểm nhấn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách được nâng lên, tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm giảm đi là xu hướng tất yếu, có ý nghĩa quan trọng, vì đây sẽ là lực lượng nòng cốt của Quốc hội. Đại biểu chuyên trách có thể toàn tâm, toàn ý cho hoạt động của Quốc hội. Thực tế đã cho thấy, chất lượng công tác chuẩn bị các nội dung của một kỳ họp phụ thuộc vào hiệu quả làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các đại biểu chuyên trách ở cả Trung ương và địa phương. Tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội Khóa XV, nhất là đại biểu chuyên trách sẽ cho cử tri thấy ngay bản lĩnh, trí tuệ, cũng như khả năng bắt nhịp nhanh với hoạt động của Quốc hội ngay từ Kỳ họp thứ Nhất tới.

Cần có bản lĩnh, dũng khí và khát vọng đóng góp

- Bên cạnh trình độ và kinh nghiệm, theo ông, đại biểu Quốc hội cần có những yếu tố nào nữa mới có thể phát huy vai trò của mình?

- Tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội cần có bản lĩnh, dũng khí; tâm huyết và khát vọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước; có trách nhiệm với cử tri và có kỹ năng hoạt động. Thực tế cũng có đại biểu Quốc hội có trình độ, có năng lực nhưng ngại phát biểu thẳng thắn sẽ thiệt thòi nên không hăng hái, nhiệt huyết. Thậm chí cũng có những đại biểu khi phát biểu tại diễn đàn của Quốc hội nhưng lại không bảo vệ lợi ích chung mà bảo vệ lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương... Tuy những nhiệm kỳ gần đây, các đại biểu như vậy chỉ là cá biệt nhưng trên nghị trường quan trọng nhất vẫn là phẩm chất, bản lĩnh của đại biểu Quốc hội như thế nào. Do vậy, ngay từ đầu khi chọn ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là đã phải chọn người bản lĩnh vững vàng, luôn đặt lợi ích quốc gia, Nhân dân lên trên hết.  

- Ông từng chia sẻ những sức ép, những hiểu lầm trong quá trình hoạt động trước đây. Vậy điều gì đã giúp ông có thể vững vàng vượt qua để trở thành một đại biểu được Nhân dân nhắc nhớ và trân trọng dù đã thôi tham gia Quốc hội khá lâu? 

- Khi trở thành người đại diện cho Nhân dân là phải sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân, không thể chăm chăm bảo vệ lợi ích cá nhân hay lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương mình được. Trong suốt quá trình làm đại biểu Quốc hội, tôi luôn nhắc nhở mình, nghị trường không phải là nơi đến để làm hài lòng nhau mà chỉ có một đích đến là lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Nếu phát biểu đúng, trúng vì nước, vì dân, bản thân có thể bị thiệt thòi, nhưng người dân sẽ luôn ghi nhận và trân trọng. Đại biểu không phát huy được vai trò của mình thì người dân cũng sẽ không nhớ anh là ai đâu. Nhiều người từng đặt câu hỏi với tôi khi phát biểu làm hài lòng dân nhưng mất lòng quan thì chọn phương án nào? Tôi trước sau như một, luôn lấy lòng dân làm điểm tựa. Tôi cũng mong rằng các đại biểu Quốc hội Khóa XV cũng sẽ luôn như vậy.  

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện