Lòng tin của Nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng

- Chủ Nhật, 12/12/2021, 06:27 - Chia sẻ
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra ngày 9.12 vừa qua không chỉ được cán bộ, đảng viên tập trung theo dõi, mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước. Đặc biệt, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ đến các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về những nội dung cốt lõi của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và Kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng.
Toàn cảnh hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng Ảnh: Phương Hoa
Toàn cảnh hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ảnh: Trí Dũng

Luôn là nhiệm vụ then chốt

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta và sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đồng thời, nhắc lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng của Người: Sau khi giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước thì việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn, củng cố lại Đảng.

Khẳng định trong suốt hơn 90 năm từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và Khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các Quy định của Đảng đã tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ.

Người đứng đầu Đảng ta cũng nghiêm túc chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm đã nêu trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII; đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Nhân dân tin tưởng, đồng lòng

Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập sâu sắc, toàn diện nhiều vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh những tinh thần mới, nội dung mới, đó là công tác nhân sự được dư luận nhân dân hết sức quan tâm, ủng hộ.

Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi, không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức Đảng mà còn cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị. Nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những người có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo về nguy cơ tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Người căn dặn: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

Ðảng ta là đảng cầm quyền, Đảng phân công cán bộ, đảng viên ứng cử giữ các chức danh lãnh đạo của cơ quan dân cử; giới thiệu cán bộ, đảng viên để xem xét, bổ nhiệm giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Vì vậy, mọi hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, trách nhiệm trước hết thuộc về sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có nguyên nhân chủ yếu, sâu xa bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 cũng chỉ rõ: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm được đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra… Thực tế từ cơ sở, có những cán bộ trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy được phân công theo dõi, triển khai học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, xem nhẹ công tác chính trị tư tưởng, coi đó là “việc của tuyên giáo”, thậm chí có trường hợp người đứng đầu cấp ủy còn báo cáo gian dối, thiếu trung thực vì sợ trách nhiệm và bệnh thành tích (!).

Thứ ba, Người đứng đầu Đảng ta khẳng định mạnh mẽ quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII đã đề ra về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời bổ sung nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp...

Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm "đúng vai, thuộc bài"... Gợi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm, trong bài báo “Tinh thần trách nhiệm” (bút danh C.B, đăng trên báo Nhân Dân, số 36, ngày 13.12.1951), Người viết: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”.

Nhân dân tin tưởng và đồng lòng với tâm huyết của Tổng Bí thư: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng bậc nhất của Đảng và chế độ ta.

ThS.Nguyễn Vân Hậu