Lựa chọn kịp thời

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 07:08 - Chia sẻ
Các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, coi đó là hướng đi hiệu quả nhất cho cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. Trong khi nhiều nước còn đắn đo giữa các loại vaccine, một số nước ngay từ đầu đã lựa chọn vaccine của các hãng dược Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, coi đây là lựa chọn “kịp thời” và khá “thức thời” cho chiến dịch của mình...

UAE: Phê duyệt vaccine Trung Quốc cho nhóm tuổi 3 - 17

Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) mới đây trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực phê duyệt sử dụng vaccine Sinopharm (Trung Quốc) cho dân số trong độ tuổi 3 - 17.

“Quyết định này được đưa ra theo sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng và đánh giá sâu rộng, cũng như dựa trên quá trình cấp phép sử dụng khẩn cấp và đánh giá địa phương phù hợp với các quy tắc đã được phê duyệt” - Cơ quan Quản lý thảm họa và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia (NECDMA) của UAE thông báo hôm 2.8.

Theo báo Khaleej Times, UAE là quốc gia đầu tiên trong khu vực tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine Sinopharm ở nhóm dân số dưới 17 tuổi, với 900 trẻ em tham gia vào cuộc nghiên cứu vaccine Sinopharm hồi tháng 6. Trong số những người tham gia, có 7 thành viên của hoàng gia Abu Dhabi.

Quốc gia ở Vịnh Ba Tư này là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới và trước đó đã phê chuẩn vaccine Pfizer-BioNTech cho nhóm dân số trong độ tuổi 12 - 15. Hơn 78% trên tổng số 9,2 triệu dân của UAE đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và hơn 70% đã được tiêm đầy đủ. Điều đó giúp UAE đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc trở lại trạng thái bình thường mới.

Campuchia: Phủ sóng các độ tuổi bằng vaccine Trung Quốc

	Campuchia tiêm vaccine Sinovac cho trẻ em 6-12 tuổi
Campuchia tiêm vaccine Sinovac cho trẻ em 6-12 tuổi

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 ngày 10.2 đến nay, Campuchia đã tiêm cho hơn 95% dân số trong độ tuổi trưởng thành. Ngoài ra, Campuchia cũng đã tiêm vaccine Covid-19 cho 88,98% trong tổng số 1,9 triệu thanh niên, thiếu niên từ 12 - 17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng ở nước này. Còn tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 6 - 12 tuổi là trên 75%. Campuchia sử dụng vaccine của Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất, cùng với vaccine AstraZeneca của Anh để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi. Riêng trẻ em từ 6 - 12 tuổi tiêm vaccine Sinovac.

Tính trên tổng dân số, đã có 78% dân số 16 triệu người của Campuchia được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi 53% đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây là con số cao thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore giàu có, quốc gia hiện đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 3/4 dân số). Con số này cũng đặc biệt đáng kinh ngạc nếu so sánh với các nước láng giềng giàu có hơn của Campuchia, bao gồm Malaysia (49% tiêm chủng đầy đủ), Brunei (25%), Thái Lan (11%) và Việt Nam (7,5%) -  theo số liệu sẵn có của Our World In Data.

Ngoài ra, báo Khmer Times ngày 22.9 cho biết Campuchia chuẩn bị bước vào chiến dịch tiêm chủng Covid-19 giai đoạn 5, trong đó tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân từ 18 tuổi trở lên bắt đầu từ ngày 11.10. Campuchia sẽ sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc để tiêm mũi tăng cường cho người dân.

Thông thường, mức độ phủ sóng vaccine thường tỷ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế. Nhưng dường như Campuchia là ngoại lệ: Quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp thứ hai trong ASEAN lại đang là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người cao thứ hai ở khu vực.

Một trong những bí quyết của Campuchia đó là bằng mọi giá có được vaccine mà không có sự kén chọn. Trên thực tế, phần lớn số vaccine của Campuchia (khoảng 27 triệu trong số 30 triệu liều đã nhận được) đến từ Trung Quốc, đối tác chính của Campuchia. Mặc dù đúng là vaccine do Sinopharm và Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất được đánh giá là cho hiệu quả ngăn chặn kém hơn so với vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, nhưng trên thực tế, vaccine do Trung Quốc sản xuất khi được triển khai ở Campuchia đã chứng minh được hiệu quả khi giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở nước này.

Singapore: Bước ngoặt trong chính sách vaccine

Trước đó, vào ngày 30.7, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) thông báo tính đến ngày 28.7, họ đã cấp phép cho 11 bệnh viện và phòng khám tư nhân nhập khẩu vaccine Sinopharm thông qua lộ trình tiếp cận đại dịch đặc biệt (PSAR), vốn chỉ dành cho những vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.

Theo Channel News Asian, vaccine Sinopharm đã trở thành sản phẩm thứ 3 được Singapore cấp phép trong khuôn khổ của PSAR, sau Pfizer-BioNTech và Moderna. Ít nhất 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân khác, gồm Raffles Medical Group và StarMed Specialist Centre, cũng đang tìm cách nhập vaccine Sinopharm.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở nhiều quốc gia cho thấy vaccine Sinopharm cho hiệu quả 79% trong việc ngăn chặn các ca nhiễm nặng, cũng như các ca phải nhập viện vì Covid-19.

Hungary: Không chính trị hóa vaccine

"Sức khỏe và tính mạng con người quan trọng hơn lợi ích chính trị. Vì thế, thật vô trách nhiệm khi biến vaccine thành một vấn đề chính trị" - Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố khi quyết định trở thành nước châu Âu đầu tiên nhập khẩu vaccine Trung Quốc. Đến tháng 2.2021, những sản phẩm này được tiêm cho người dân Hungary, biến Hungary thành nước thành viên duy nhất của EU công nhận và tiêm vaccine của Nga và Trung Quốc trước khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị sử dụng.

Hành động nhanh chóng của chính phủ Hungary đã gặt hái được thành công. Theo dữ liệu của Trường ĐH John Hopskins (Mỹ), tính đến ngày 2.8, Hungary đã tiêm chủng cho gần 6 triệu dân, tương đương 58,2% tổng dân số, lọt vào top 10 nước được tiêm chủng tốt nhất trên thế giới. Trước đó, ngày 3.7, Hungary đã từ giã khẩu trang và gỡ bỏ đa số các biện pháp phòng dịch. Quốc gia này cũng là một minh chứng về mối liên hệ mạnh mẽ giữa vaccine và sự sụt giảm của số ca nhiễm. Hungary là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong bình quân trên 100.000 người thấp nhất thế giới.

Vũ Quỳnh