Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia

Lựa chọn mô hình nào?

- Thứ Ba, 23/11/2021, 11:41 - Chia sẻ
Ban quản lý khu du lịch quốc gia hoạt động theo mô hình là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực thuộc UBND cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập hay do doanh nghiệp quản lý là vấn đề còn nhiều ý kiến xung quanh Dự thảo Nghị định quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia.

Chưa thống nhất mô hình quản lý

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Trong đó, có 28 khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển; 6 khu du lịch quốc gia đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch.

Chính phủ vừa có ý kiến về triển khai quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai

Phân loại theo chủ thể quản lý, có 2 khu do các bộ quản lý, 45 khu do các địa phương quản lý và 2 khu do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác, quản lý. 
Trong nhóm 47 khu du lịch quốc gia do Nhà nước đầu tư quản lý có 27 khu đã có đầu mối quản lý trực tiếp là các Ban quản lý hoặc được giao một đơn vị chức năng quản lý; 20 khu chưa có đầu mối quản lý trực tiếp và được giao cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý theo phân cấp quản lý lãnh thổ.

Tùy thuộc đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, mỗi hình thức quản lý khu du lịch quốc gia đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, thực tế tồn tại nhiều hình thức quản lý khác nhau dẫn đến công tác quản lý các khu du lịch quốc gia gặp những khó khăn, vướng mắc. Việc chưa có mô hình quản lý thống nhất dẫn đến nhiều địa phương lúng túng trong việc giao đầu mối quản lý trực tiếp các khu du lịch quốc gia.

Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban quản lý khu du lịch quốc gia chưa được quy định cụ thể, nhiều Ban quản lý không đủ thẩm quyền trong thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ công hỗ trợ cho phát triển du lịch. Đặc biệt, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia chưa được quy định cụ thể về tổ chức, biên chế, ngân sách, nguồn thu, chi…

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu thực tế, hai khu du lịch quốc gia do doanh nghiệp đầu tư quản lý và điều hành đã phát huy được tính tích cực, chủ động đặc biệt trong huy động nguồn lực tập trung để phát triển hình thành sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp lấy mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nên các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tôn tạo tài nguyên, chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương chưa được quan tâm đúng mức...

Đề xuất hai mô hình quản lý

Trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Du lịch, nội dung hướng dẫn về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia đã được xây dựng. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Ban quản lý khu du lịch quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến việc hình thành tổ chức bộ máy. Bởi, theo chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập không làm phát sinh tổ chức, bộ máy, biên chế. 

Từ thực tế trên, tại Dự thảo Nghị định quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng nghị định khung về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. Trong đó, đưa ra một số mô hình, chỉ rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đầu mối quản lý, cơ chế phối hợp, chế độ báo cáo, cơ chế tài chính và trách nhiệm quản lý khu du lịch quốc gia. Từ đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế lựa chọn mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, bảo đảm hiệu quả và phù hợp.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định đề xuất: mô hình 1 - Khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh; mô hình 2 - Khu du lịch quốc gia do các doanh nghiệp đầu tư, hình thành, không quy định thành lập Ban quản lý như mô hình 1 mà doanh nghiệp thành lập bộ máy quản lý, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác quản lý Khu du lịch quốc gia theo một số nội dung được quy định tại Nghị định này.

Đối với mô hình 1, đây là nhóm chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số các Khu du lịch quốc gia, với đề xuất mô hình quản lý Ban quản lý Khu du lịch quốc gia.

Thực tế cho thấy, một số Ban quản lý là đơn vi sự nghiệp công lập có nguồn thu từ phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác lớn như Vịnh Hạ Long, có đủ khả năng tự chủ tài chính, không chỉ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, bảo đảm đời sống cho người lao động mà còn giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Còn đối với mô hình do doanh nghiệp quản lý, khác với mô hình quản lý đối với Khu du lịch quốc gia, do Nhà nước quản lý nêu trên, mọi quyết định quản lý và phát triển. Khu du lịch quốc gia, do khối tư nhân đầu tư hình thành thường nhanh chóng và khả thi hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên nên đôi khi chưa chú tâm tới công tác bảo vệ, bảo tồn các tài nguyên du lịch. Do đó, dù có rất nhiều mặt tích cực nhưng đây cung không phải là mô hình có thể áp dụng cho các khu du lịch quốc gia, do nhà nước quản lý, đặc biệt là đối với các khu di sản, di tích, vườn quốc gia cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Hiện, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể khu du lịch quốc gia; 6 địa điểm được công nhận là khu du lịch quốc gia gồm: Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận) và Đền Hùng (Phú Thọ).

Phạm Hải