Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Luật chuyên ngành “ôm” việc - có nên không?

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 07:23 - Chia sẻ
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là một trong những dự án luật “đầu tay” của Quốc hội Khóa XV, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới. Dù đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, một số đại biểu tham dự Phiên họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng vẫn băn khoăn khi dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định, điều chỉnh bao trùm từ điều kiện thành lập đến tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, không lồng ghép với quy định tại các luật chung.
	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Tập đoàn tài chính được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm

Có thể thấy, tại 7 nhóm chính sách lớn dự kiến được sửa đổi tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, cả về thành lập cho đến tổ chức, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đều có những quy định mới. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp phép, được hoàn toàn chủ động trong hoạt động kinh doanh, lựa chọn mô hình hoạt động, phương thức hoạt động, đầu tư tài chính, kể cả đầu tư ra nước ngoài.

Cụ thể, về cấp giấy phép thành lập và hoạt động quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không cho phép chủ đầu tư là tập đoàn tài chính được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm có tình hình tài chính lành mạnh, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam được phép thành lập hoặc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần. Các tổ chức khác đáp ứng điều kiện về tài chính được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần; cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm thuộc Liên minh châu Âu được thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Các nhà đầu tư trong nước, hoặc các loại hình kinh doanh không cần vốn lớn, nhưng có ý tưởng kinh doanh tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại được khuyến khích tham gia góp vốn, thành lập doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ. Theo đó, được thành lập bảo hiểm chuyên ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, hoặc doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phụ trợ (phân phối sản phẩm, nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, thẩm định bảo hiểm, thẩm định hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm...).

Về hoạt động nghiệp vụ, dự thảo luật bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc) nhằm tạo chủ động trong hoạt động kinh doanh cho họ.

Chứa đựng nhiều rủi ro?

Các sửa đổi, bổ sung về cấp giấy phép thành lập, tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, hoạt động nghiệp vụ, chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật nhìn chung nhằm phù hợp với thông lệ thế giới, tính chất của hoạt động kinh doanh này, cũng như thúc đẩy đổi mới quản trị doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, các sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp về việc tạo ra một thị trường kinh doanh bảo hiểm sáng tạo, năng động, minh bạch, bảo vệ tốt các lợi ích và giảm thiểu rủi ro chung cho xã hội.

Lo ngại một số quy định có thể cản trở hoạt động kinh doanh này, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu rõ, việc quy định giao Bộ Tài chính quy định chi tiết danh mục sản phẩm bảo hiểm sẽ cản trở sự năng động và sáng tạo của doanh nghiệp. Theo quy định tại dự thảo Luật, khi doanh nghiệp bảo hiểm muốn cung cấp một sản phẩm mới ra thị trường sẽ phải chờ thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Việc phải chờ đợi một thời gian dài mới được cấp phép cung ứng sản phẩm mới sẽ đẩy doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị lộ lọt thông tin, trong khi đối thủ cạnh tranh có đủ thời gian để đưa ra sản phẩm tương tự.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng băn khoăn khi dự thảo Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định một sản phẩm phụ trợ bảo hiểm. Bởi, quy định như vậy khiến quy trình đưa một sản phẩm phụ trợ bảo hiểm ra thị trường bị hành chính hóa, nếu Chính phủ hay bộ quản lý ngành không họp thì thị trường sẽ không chấp nhận sản phẩm mới. Để giám sát sản phẩm phụ trợ bảo hiểm, dự thảo Luật cần quy định theo hướng doanh nghiệp đăng ký sản phẩm phụ trợ bảo hiểm, và sau khi Bộ Tài chính có ý kiến tán thành sẽ được cung cấp ngay ra thị trường.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự thảo Luật điều chỉnh thủ tục thành lập doanh nghiệp theo hướng tách thành hai thủ tục (phải được cho phép thành lập mới tiến hành đăng ký thành lập và hoạt động). Với quy định này, đại biểu Phan Đức Hiếu chỉ rõ, mỗi cá nhân, tổ chức sẽ phải thực hiện ba thủ tục hành chính mới có thể đăng ký thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm (xin phép thành lập, đăng ký thành lập và hoạt động, thông báo trước khi đi vào hoạt động).

Thậm chí, không chỉ gây phiền hà trong xin cấp phép hoạt động, quy định như dự thảo Luật hiện hành cũng đẩy cơ quan quản lý vào cảnh phải xử lý rất nhiều vấn đề pháp lý. Bởi, khi chưa có doanh nghiệp thì sẽ không thể thực hiện hàng loạt điều kiện để được xem xét cấp phép hoạt động (góp vốn, cổ đông, nhân sự…), mà nếu có cũng chỉ dừng ở "bánh vẽ". “Việc cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm trước sau đó tiến hành đăng ký hoạt động vừa vô nghĩa, vừa chứa đựng nhiều rủi ro”, đại biểu Phan Đức Hiếu cảnh báo.

Đối với các quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, theo phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu, một số quy định không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, không tương thích với các luật liên quan (quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm gồm có cả chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài tại Điều 4 và Điều 66). Điều 68 về điều kiện góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải bằng đồng Việt Nam đã hạn chế sự thu hút gọi vốn vào những doanh nghiệp này.

Nhấn mạnh kinh doanh bảo hiểm là một loại hình kinh doanh quan trọng, với một số đặc thù nhất định, các đại biểu tham dự phiên họp tán thành sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành, nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thực tế. Nhưng việc luật chuyên ngành “ôm” thẩm quyền, quy định bao trùm từ cấp phép thành lập và hoạt động đến tổ chức hoạt động với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, không lồng ghép với các luật chung sẽ đứng trước nhiều rủi ro. Như phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, nếu dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) không lồng ghép các quy định liên quan của Luật Doanh nghiệp sẽ phải bổ sung 100 điều, khoản tương tự như luật chung, để điều chỉnh từ mua bán doanh nghiệp, hội nghị cổ đông đến thực hiện các cuộc họp…    

Lê Bình