Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV

Luật pháp phải đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:05 - Chia sẻ
Triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV có 137 nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện. Nhấn mạnh "không chỉ hoàn thành về số lượng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu cao yêu cầu về chất lượng các dự án luật. Theo đó, các đạo luật phải phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhiều đề xuất cụ thể

Kế thừa các thành tựu lập pháp của giai đoạn trước, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Song với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Đó là tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao. Một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật và đổi mới tư duy pháp lý còn chậm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan được xác định là chủ yếu. Do vậy, để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội, các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cho rằng, việc xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV như Đề án là hết sức cần thiết.

Nhiều đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật cụ thể đã được các ý kiến tham luận kiến nghị tại hội nghị. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, trọng tâm là pháp luật việc làm và bảo hiểm xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm độ bao phủ, điều chỉnh những yếu tố mới phát sinh sau đại dịch Covid-19 (nhiệm vụ đầu tiên là sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm). Cũng trong lĩnh vực xã hội, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp hiện nay, đang đặt ra đòi hỏi về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng bệnh, trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm. Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn để thể chế hóa quan điểm của Đảng, bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2019; xây dựng khung khổ pháp lý cho việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, tránh các hành vi lợi dụng vi phạm pháp luật…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại nhà Quốc hội

Ảnh: Quang Khánh 

Liên quan đến thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, để hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đề xuất cụ thể liên quan đến hoàn thiện hành lang pháp luật về giao dịch điện tử, nền tảng số, kinh tế nền tảng, kinh tế số

Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều đề xuất xây dựng pháp luật cụ thể với những đạo luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến ngành, lĩnh vực được đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra.

Chất lượng các dự án luật phải đặt lên hàng đầu

Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Với cái nhìn tổng thể và toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, cùng với yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đại hội XIII của Đảng cũng xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu phải bảo đảm cả về hình thức, nội dung và chất lượng của hệ thống pháp luật. Hình thức thể hiện các văn bản phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và "tuổi thọ" tương đối lâu dài. Đặc biệt, "chất lượng phải được đặt lên hàng đầu", thể hiện qua sự phản ánh chính xác thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước. “Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật cũng khó lòng đi vào cuộc sống được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Quốc hội không quyết định chương trình lập pháp 5 năm mà chỉ quyết định chương trình lập pháp hàng năm. Nhưng, từ đòi hỏi của cuộc sống, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, trên cơ sở sự phân công của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội trình, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW thông qua Đề án này.

Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị là cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm với tầm nhìn định hướng dài hạn. Đây là căn cứ quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chủ động hơn, vào cuộc "từ sớm, từ xa", phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo” như nhiều lần đã được chỉ ra. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Công tác xây dựng pháp luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ xem xét ban hành luật có căn cứ khoa học thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của cuộc sống.

Lê Bình