Quốc hội không ngừng đổi mới vì người dân, doanh nghiệp

Bài cuối: Thách thức phía trước

- Thứ Bảy, 23/07/2022, 06:15 - Chia sẻ

Liên tục đổi mới để Quốc hội trở nên gần dân hơn, hiệu quả hơn và phục vụ lợi ích người dân tốt hơn là hướng đi đúng đắn nhưng đó cũng là chặng đường dài và đầy thách thức.

Đổi mới trong từng khâu, từng việc

Ấn tượng cá nhân của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) về Quốc hội Khóa XV là tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến các bên, đặc biệt là đối với vấn đề phức tạp, có sự khác biệt về quan điểm.

Ông Đồng kể, ngay trong buổi sáng khai mạc Kỳ họp thứ 3, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tham vấn thêm chuyên gia về một nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh. Đây là nội dung có ý kiến khác nhau và một hiệp hội trong nước có văn bản gửi Quốc hội đề nghị xem xét thêm. “Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến do các chuyên gia không có mặt ở Hà Nội cho thấy sự đổi mới về cách thức làm việc của Quốc hội: xắn tay áo làm ngay, không trì hoãn và sử dụng các công nghệ mới (họp trực tuyến) để tăng hiệu quả”, ông Đồng nhận xét.

Cũng theo Viện trưởng IPS, ở nhiệm kỳ này, các Ủy ban của Quốc hội “rất chịu khó” tham vấn chuyên gia. “Cá nhân tôi nghiên cứu về chính sách, pháp lý về công nghệ số và kinh tế số - là những vấn đề rất mới với Việt Nam và phức tạp với ngay những người nghiên cứu. Tôi thấy các Ủy ban như: Văn hóa, Giáo dục; Khoa học, công nghệ và môi trường; Pháp luật thường xuyên tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp qua nhiều cuộc họp, trao đổi chuyên môn. Ví dụ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khi giám sát về thông tin trên internet đã tổ chức nhiều vòng tham vấn và bản thân tôi tham gia 3 vòng”.

Huy động tối đa nhà khoa học, chuyên gia vào công việc của mình để Quốc hội không chỉ là trí tuệ của các đại biểu mà là trí tuệ của toàn dân - điều này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi nói về sự đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Và đây chỉ là một trong rất nhiều cải tiến, đổi mới của Quốc hội Khóa XV trong năm đầu nhiệm kỳ.

Đầu tiên phải nhắc đến đổi mới tinh thần làm việc. Mọi khâu, mọi việc được Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa. Quốc hội không “bắc nước chờ gạo người” mà chủ động vào cuộc, chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó quy định các biện pháp chưa có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương chống dịch hiệu quả, hay gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách đang được triển khai đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất.

Kế đến là những thay đổi về quy trình, cách thức làm việc mang tính kỹ thuật nhưng hiệu quả lớn. Ví dụ, công tác dân nguyện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét định kỳ tại phiên họp hàng tháng để kịp thời xem xét và giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm gửi đến Quốc hội. Hoặc bây giờ, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết thúc nội dung nào sẽ có ngay thông báo kết luận về nội dung đó thay vì phải chờ kết thúc phiên họp như trước. Điều này giúp cơ quan soạn thảo, thẩm tra kịp thời tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ tài liệu tốt hơn.

Gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo cách chia nhóm nội dung để tổ chức thảo luận. Đại biểu quan tâm nội dung nào sẽ đăng ký tham dự góp ý nội dung đó, không nhất thiết tham dự tất cả nội dung như lâu nay. Nếu được triển khai, đây sẽ là điểm đổi mới đột phá góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật…

Liệt kê những đổi mới của Quốc hội trong năm đầu nhiệm kỳ có thể sẽ thiếu, sẽ sót. Dù vậy, một vài ví dụ kể trên cũng đủ cho thấy Quốc hội Khóa XV đang nỗ lực cải tiến trong từng khâu, từng việc theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề "Phục hồi và Phát triển bền vững" là cuộc tham vấn chuyên gia ở quy mô lớn do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức
Ảnh: Lâm Hiển

Con đường không bằng phẳng

Liên tục đổi mới để Quốc hội trở nên gần dân, hiệu quả hơn và phục vụ lợi ích người dân tốt hơn là hướng đi đúng đắn nhưng đó cũng là chặng đường dài và đầy thách thức.

Một mặt, các vấn đề chính sách, pháp lý phải xử lý có độ phức tạp lớn hơn, nằm trong “lõi thể chế” của cải cách. Mặt khác, những thách thức kỹ thuật còn phức tạp hơn nữa khi mọi bước đi đều phải tính toán đến môi trường quốc tế, đến yếu tố địa chiến lược và địa chính trị; cũng như những cam kết và ràng buộc sâu sắc trong các khuôn khổ thương mại, pháp lý mà Việt Nam ký kết tham gia. Đây là những bài toán khó đặt ra cho Quốc hội, nhưng lợi ích cho đất nước, cho người dân là vô cùng lớn nếu xử lý thành công những vấn đề như vậy.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong chương trình làm việc, các vấn đề lõi của tiến trình hoàn thiện kinh tế thị trường đã được đặt ra, trong đó đáng kể là sửa đổi chính sách đất đai. Định hướng của Đảng đã đưa ra phương hướng lớn và nguyên tắc nhưng về lập pháp, cụ thể hóa định hướng thành các nhóm chính sách cụ thể, từ “gỡ” hạn điền để khuyến khích tích tụ đất đai, xóa bỏ thu hồi đất vì mục đích kinh tế để bảo đảm quyền lợi các bên liên quan đến thuế bất động sản… đều là những vấn đề lớn. Và đương nhiên, về kỹ thuật lập pháp, không thể chỉ sửa Luật Đất đai mà sẽ đụng chạm đến một loạt các luật khác liên quan.

Bên cạnh đó, chính sách kinh tế trong thời gian tới ngoài việc hướng đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế thì còn cần có sự ưu tiên thỏa đáng cho kinh tế số. Giải những bài toán về tài sản số, về thuế; về hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng kết nối và hạ tầng dữ liệu; về thương mại số xuyên biên giới, về xử lý tranh chấp trên môi trường số… là những công việc nặng nề đặt trên bàn Quốc hội Khóa XV.

Cải cách dịch vụ công cũng là một thách thức khác rất “nóng” ngay ở thời điểm này khi một loạt dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân đều bộc lộ vấn đề. Với y tế là bệnh viện công sai phạm; với giáo dục là cuộc đua trường công cho thấy những hạn chế từ gốc rễ tư duy thiết kế dịch vụ giáo dục công lập; với nước sạch, vệ sinh môi trường là suy giảm nguồn lực công và hỗn loạn trong tổ chức thị trường hàng hóa công thiết yếu…

Muốn cải cách, rõ ràng cần hiểu về triết lý, cần có tư duy hệ thống để thiết kế lại, định hình lại các nguyên tắc và tổ chức thị trường cho các hàng hóa công như vậy. Và đương nhiên, bên cạnh kỹ thuật, kỹ năng chính trị của các lãnh đạo Quốc hội, của các cơ quan và đại biểu là cần thiết để huy động ủng hộ, tạo lập đồng thuận cho một tiến trình dài hạn và phức tạp. Về mặt chiến lược, Đảng đã có chủ trương và định hướng, Chính phủ sẽ nặng về điều hành và thực hiện. Khoảng trống thiết kế chính sách, đưa chính sách vào các gói pháp lý (đạo luật) và giám sát, thúc đẩy thực thi là vai trò của Quốc hội.

Điểm qua một vài bài toán lớn để thấy rằng, vẫn còn quá nhiều việc phải làm đặt lên bàn của lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban và cá nhân từng đại biểu. Đổi mới không bao giờ là dễ dàng nhưng sẽ làm được với động lực, với mục tiêu tối thượng là “phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân” như lời tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Phải sửa căn bản Luật Đất đai

Luật Đất đai là luật cơ bản nhất cho sự phát triển, vì nguồn lực đất đai là quan trọng nhất và phức tạp nhất, gắn với lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Tuy vậy, Luật này liên tục phải sửa, phải chăng vì chúng ta mới chỉ sửa đổi những vấn đề “râu ria” mà chưa đi thẳng vào trọng tâm?

Sửa đổi lần này Luật Đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phải đặt vấn đề khác đi, tức là phải sửa căn bản để tránh tình trạng hiện nay, đất đai là lĩnh vực phạm tội nhiều nhất, kiếm chác nhiều nhất, thiệt hại tài nguyên quốc gia lớn nhất. Nếu không, dù có xây dựng bao nhiêu luật đi chăng nữa cũng vẫn bị xung đột, không thống nhất trong toàn bộ cấu trúc hệ thống luật!

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào Quốc hội!

Tôi thấy kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với Quốc hội rất lớn. Họ kỳ vọng vào những “sản phẩm” Quốc hội làm ra, đặc biệt là những dự án luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực sự tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, ít rủi ro, ít gánh nặng, bảo vệ doanh nghiệp tốt hơn để họ yên tâm hoạt động. Đây là nhiệm vụ, trọng trách rất lớn của Quốc hội lần này!

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI: Tham vấn chính sách vẫn cần cải tiến

Muốn đưa được tiếng nói của doanh nghiệp và người dân vào nghị trường thì cần đổi mới mạnh mẽ cách thức triển khai lấy ý kiến để ngày càng thực chất, thân thiện hơn.

Theo đó, các văn bản luật, chính sách cần lấy ý kiến cần phải tóm tắt, phân tích các điểm thay đổi, các điểm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Cần đăng tải công khai đầy đủ không chỉ dự thảo luật mà còn cả các tài liệu có liên quan như đánh giá tác động chính sách, góp ý khác nhau của doanh nghiệp, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo... Cần tạo cơ hội và tăng cường năng lực tham gia xây dựng chính sách của thiết chế trung gian như các hội, hiệp hội, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người dân.

Nhóm PV Thời sự Kinh tế