Triển vọng thị trường trái phiếu Chính phủ 2021

Lượng phát hành tăng, lãi suất có dư địa giảm

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:19 - Chia sẻ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Kho bạc Nhà nước là hoàn thành kế hoạch huy động vốn, đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay tăng 8 - 10% so với 2020, đạt khoảng 340 - 360.000 tỷ đồng và phía cầu hoàn toàn có thể cân đối được.
		Nhiều triển vọng tích cực cho thị trường trái phiếu Chính phủ Nguồn: ITN
Nhiều triển vọng tích cực cho thị trường trái phiếu Chính phủ
Nguồn: ITN

Thí điểm phát hành trái phiếu mới

Để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương, Kho bạc Nhà nước (KBNN) lên kế hoạch phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý 1.2021. Tính đến hết ngày 17.2, KBNN đã huy động được 26.376 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân đạt 14,68 năm; lãi suất bình quân 2,36%/năm.

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi cho biết, một nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của KBNN là phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn do Bộ Tài chính giao, bảo đảm chỉ tiêu kỳ hạn bình quân danh mục trái phiếu phát hành theo Quyết định của Thủ tướng và thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia. Cùng với đó, KBNN sẽ phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu phù hợp với nhu cầu đầu tư và tạo lãi suất tham chiếu cho thị trường. Đáng chú ý, KBNN có thể sẽ thí điểm phát hành các loại trái phiếu mới như trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi...  Việc thanh toán trái phiếu Chính phủ đến hạn cũng sẽ được KBNN bảo đảm an toàn, chính xác và thuận lợi cho chủ sở hữu trái phiếu.

Trước đó, trong năm 2020, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn phù hợp với tiến độ thu ngân sách, giải ngân đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ của ngân sách và tình hình thị trường nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn và bảo đảm tính bền vững của nợ công. Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành là 333.042,5 tỷ đồng. Đặc biệt, KBNN tập trung phát hành các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên (100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; 94% khối lượng phát hành là từ 10 năm trở lên) để tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng an toàn, bền vững. KBNN cũng tranh thủ điều kiện thuận lợi của thị trường để phát hành kỳ hạn dài với lãi suất thấp nhằm giảm thiểu rủi ro trả nợ trong ngắn hạn cho ngân sách và kéo dài kỳ hạn mục nợ trái phiếu Chính phủ. Theo đó, lãi suất phát hành bình quân năm 2020 là 2,86%/năm.

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường

Một diễn biến mới dự báo sẽ tác động tích cực đến thị trường trái phiếu Chính phủ năm nay là việc KBNN sẽ thực hiện thí điểm mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại bằng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi. Cụ thể, KBNN sẽ kiểm thử quy trình trong nửa cuối tháng 3, tháng 4 thực hiện thí điểm và vận hành chính thức vào tháng 5.

 Giới chuyên gia cho rằng nghiệp vụ này mang lại nhiều lợi ích. Một mặt giúp quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; mặt khác các ngân hàng thương mại cũng được hưởng lợi nhờ chủ động tính toán, quản lý, kiểm soát được tình trạng thanh khoản và khả năng gia tăng lợi nhuận từ trái phiếu Chính phủ của mình.

Dự báo về triển vọng thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2021, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nhu cầu phát hành sẽ tăng 8 - 10% so với năm 2020, khối lượng phát hành khoảng 340 - 360.000 tỷ đồng. VCBS phân tích, việc tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, tối đa hóa việc sử dụng nguồn lực trong nước. Quá trình giải ngân đầu tư công được kỳ vọng thúc đẩy trong bối cảnh hỗ trợ nền kinh tế nhưng không tạo áp lực lớn lên phát hành trái phiếu của KBNN.

Ở phía cầu, nhu cầu đầu tư ở mức cao và hoàn toàn có thể cân đối được nhu cầu phát hành kể trên. VCBS cho rằng, nguồn cung ngoại tệ tương đối tốt. Thanh khoản hệ thống, nếu loại trừ yếu tố mùa vụ, nhiều khả năng vẫn ổn định, dồi dào. Lượng trái phiếu Chính phủ đáo hạn tăng so với năm 2020 tuy nhiên sẽ được tái đầu tư vào trái phiếu Chính phủ khi nhu cầu tín dụng không tăng đột biến. Trong những năm vừa qua, các nhà đầu tư dần dịch chuyển khẩu vị từ trái phiếu ngắn hạn sang các nhóm trái phiếu trung và dài hạn. Hơn nữa, theo Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản nhanh không dưới 10% vào cuối ngày làm việc; trong đó, trái phiếu Chính phủ vẫn là tài sản được các ngân hàng ưu tiên lựa chọn.

Cũng theo VCBS, mặt bằng lợi suất trái phiếu năm nay còn dư địa giảm nhưng mức độ giảm và độ biến động sẽ không lớn như năm 2020 do thị trường khá đồng thuận về triển vọng đi xuống của trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục dư thừa. Đan xen trong các nhịp giảm có thể xuất hiện các nhịp tăng ngắn hạn theo biến động trên thị trường thế giới. Công ty này dự báo lãi suất kỳ hạn 10 năm dao động khoảng 2 - 2,8%. Loại trái phiếu có thanh khoản cao nhất sẽ tiếp tục có thuộc về nhóm kỳ hạn 7 - 10 năm và thậm chí có xu hướng chuyển dịch lên các trái phiếu kỳ hạn dài hơn (trên 10 năm) do có mức lợi suất tốt hơn so với chi phí vốn.

Hà Lan