Dự toán ngân sách năm 2022

Lường thu mà chi

- Thứ Ba, 12/10/2021, 07:55 - Chia sẻ
Tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán năm 2022. Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, dự toán thu và chi ngân sách năm tới cần tiếp tục duy trì sự thận trọng và theo nguyên tắc lường thu mà chi. Đồng thời, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách ở tất cả các cấp.
	Thu ngân sách vượt dự toán chủ yếu nhờ đất đai
Thu ngân sách vượt dự toán chủ yếu nhờ đất đai

Thu ngân sách vẫn vượt dự toán

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết quả thu ngân sách nhà nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách từ đầu năm đến 15.9 ước đạt 1.034,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm. Chi ngân sách tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tổng chi đến 15.9 ước đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm.

Dù khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước thu ngân sách cả năm đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so dự toán, bằng 90,6% so thực hiện năm 2020. Chi ngân sách đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán. Bội chi ngân sách vẫn trong phạm vi dự toán, khoảng 4%GDP.

Đáng chú ý, thu ngân sách Trung ương năm nay dự kiến hụt 28 - 29 nghìn tỷ đồng. Ngân sách Trung ương tuy vượt thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu, nhưng giảm thu bán vốn và giảm thu các khoản phân chia tại một số địa phương trọng điểm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Thu ngân sách địa phương dự kiến vượt 50 - 51 nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất đã vượt 29,2 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, thu ngân sách năm nay vẫn tăng so với dự toán là kết quả hết sức tích cực trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát làm tê liệt nhiều vùng trọng điểm kinh tế, khiến cả trăm nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và Nhà nước triển khai nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí. Tuy vậy, thu ngân sách vẫn chưa đạt được sự bền vững khi nguồn tăng thu chủ yếu dựa vào những khoản đầy bấp bênh như tiền sử dụng đất, xuất nhập khẩu và dầu thô…

Tiếp tục duy trì sự thận trọng

Theo TS. Vũ Sỹ Cường, dự toán ngân sách năm 2021 đã thận trọng hơn, bám sát hơn các yếu tố vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP, lạm phát và cân nhắc các yếu tố thách thức như dịch Covid-19 cũng như cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Năm 2022, dự toán thu và chi ngân sách cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn nữa và theo nguyên tắc lường thu mà chi. Đồng thời, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp”, ông Cường khuyến cáo.

Thực tế cho thấy trong năm tới, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu ngân sách và tăng chi. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu rất khó dự đoán vì phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống chọi với dịch bệnh. Cụm từ “suy giảm”, “bấp bênh” vẫn được nhắc đến bởi nhiều nguyên nhân, dịch bệnh, rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung kéo dài. Dịch bệnh chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và thu, chi ngân sách của Việt Nam.

Dù nhấn mạnh việc lập dự toán ngân sách thận trọng là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, cũng cần tránh quá cứng nhắc trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định. Ông đề xuất xem xét mở rộng các gói hỗ trợ chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh.

Một nghiên cứu gần đây của TS. Đinh Trường Hinh, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC (Mỹ) cho Quỹ Tiền tệ quốc tế về chính sách tài khóa hỗ trợ sau Covid-19 của Việt Nam cho rằng chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít và quá thận trọng. Nghiên cứu này cho rằng, Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 lên đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỷ đồng) mà không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Dịch bệnh gây khó khăn cho thu ngân sách năm 2021 và cả năm 2022 song nhu cầu chi tiêu rất lớn để hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng). Theo TS. Vũ Sỹ Cường, để huy động nguồn thu cho ngân sách có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có nhiều thuận lợi như giai đoạn vừa qua. Đồng thời, xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi cao hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và tái cơ cấu lại nợ công. “Chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội”, ông Cường bày tỏ.

Tiểu Phong