Lưu giữ lễ hội trên môi trường số

- Thứ Tư, 18/08/2021, 05:09 - Chia sẻ
Nước ta có hàng nghìn lễ hội diễn ra hàng năm, tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức, quản lý, bảo tồn các lễ hội có nhiều hạn chế, dẫn đến nhạt nhòa bản sắc, nhiều người không hiểu giá trị lễ hội, có hành vi ứng xử lệch lạc... Việc tổng kiểm kê, số hóa dữ liệu về lễ hội được kỳ vọng sẽ góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của quá khứ, kết nối chúng với hiện tại.

Số hóa 100% dữ liệu lễ hội truyền thống

Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời, có vai trò quan trọng, là sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Không chỉ phản chiếu những giá trị đã được hình thành từ ngàn đời, lễ hội còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. 

Với sự quan trọng của lễ hội truyền thống trong tổng thể hệ thống di sản văn hóa Việt Nam, nhằm gìn giữ, bảo quản tư liệu, để các di sản này phát huy tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu các loại hình lễ hội gồm: Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian); Lễ hội văn hóa; Lễ hội ngành nghề và Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài - là những loại hình lễ hội đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng lễ hội truyền thống tính đến hết năm 2020 là 8.274 lễ hội; bên cạnh đó còn có 297 lễ hội văn hóa, 18 lễ hội ngành nghề, 9 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Với số lượng lễ hội lớn, loại hình phong phú, Đề án sẽ triển khai khối lượng công việc khá lớn, bao gồm: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam... Trong đó, giai đoạn I (2021 - 2022) sẽ số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống. Mục tiêu của đề án là 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống được số hóa.

100% dữ liệu lễ hội truyền thống sẽ được số hóa - Ảnh: Bivitour.com

Không chỉ chuyển đổi phương thức quản lý 

Những năm gần đây, với sự phát triển về mọi mặt của đất nước, các hoạt động văn hóa truyền thống, đặc biệt là lễ hội, đã được phục hồi tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, không ít lễ hội đang bị mai một, biến mất hoặc bị hiện đại hóa, không còn giữ được giá trị vốn có.

Nhằm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ hội. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, số lượng lễ hội đã được sưu tầm, số hóa còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, khác với di sản văn hóa vật thể, lễ hội - di sản văn hóa phi vật thể, được thực hành dựa trên tri thức và trí nhớ của con người, phụ thuộc rất nhiều vào nghệ nhân, những người thực hành văn hóa, nên dễ mai một nếu không kịp thời sưu tầm, lưu trữ. Sự thay đổi đáng kể của lễ hội dẫn tới sự “nhiễu” thông tin về lịch sử, thông điệp văn hóa, giá trị cốt lõi, đặc trưng của lễ hội... Do đó, khi kiểm kê, sưu tầm, số hóa có sự chắt lọc từ nhiều nguồn, bảo đảm sự chính xác của dữ liệu. Nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, tài chính, thiết bị công nghệ phục vụ cho việc sưu tầm, lưu trữ, số hóa cũng là thách thức đang được đặt ra.

Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, số hóa dữ liệu lễ hội đòi hỏi huy động sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội. Việc số hóa nên được bắt đầu bằng hoạt động tổng hợp toàn bộ dữ liệu về lễ hội tại các đơn vị đang thực hiện công tác lưu trữ di sản văn hóa như Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc, Cục Di sản văn hóa, Vụ Văn hóa dân tộc… và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, phù hợp thì khâu chuẩn bị nguồn nhân lực cũng phải chú ý đầy đủ. Hợp tác quốc tế là một hướng đi đúng bởi trên thế giới đã có nhiều trung tâm dữ liệu di sản, nhiều kinh nghiệm về việc số hóa di sản, trong đó có lễ hội, và việc tham gia các mạng lưới, trung tâm này giúp chúng ta không chỉ có thêm kinh nghiệm, nguồn vốn hỗ trợ, mà còn giúp quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định vị trí văn hóa dân tộc trong dòng chảy chung của văn hóa thế giới...

Việt Nam đang hướng đến xây dựng một xã hội số, ở đó dữ liệu đóng vai trò quan trọng như là nguồn tài nguyên để kết nối thông tin, tạo ra những dịch vụ, tiện ích gia tăng. Nhiều người kỳ vọng, việc số hóa lễ hội không chỉ giúp chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; mà đó còn là căn cứ “gốc”, có tính khoa học để phục dựng, tái tạo lễ hội; quan trọng hơn, tạo hoạt động thúc đẩy khai thác các dữ liệu này để quảng bá, lan tỏa, truyền tải các giá trị lễ hội, thông điệp văn hóa từ xa xưa tới công chúng hiện đại.

Ngọc Phương