Ngành văn hóa, sáng tạo

Mắc kẹt trong xu thế chuyển đổi số

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:57 - Chia sẻ
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ đã làm cho việc giới thiệu cũng như tiếp cận các nội dung văn hóa và nghệ thuật trực tuyến trở nên phổ biến. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này cũng như quyền lợi của nghệ sĩ đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Làm mọi thứ để tồn tại

2020 đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Quốc tế về Đa dạng văn hóa (IFCD), kỷ niệm 15 năm Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) và 40 năm khuyến nghị của UNESCO về địa vị của nghệ sĩ (Khuyến nghị 1980). Đây cũng là thời điểm đáng suy ngẫm đối với UNESCO và ngành văn hóa, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi toàn cảnh văn hóa thế giới, đe dọa làm mất đi những thành tựu đã đạt được 40 năm qua.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo còn vướng vấn đề bản quyền

Nguồn: ITN

Tại buổi thảo luận nghệ thuật trực tuyến ResiliArt (Nghệ thuật kiên cường) tổ chức tối 21.10 vừa qua, đại diện UNESCO cho biết, các phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hát, phòng hòa nhạc và thư viện trên khắp thế giới buộc phải đóng cửa, cuộc khủng hoảng y tế hiện tại đã làm suy yếu toàn bộ chuỗi giá trị sáng tạo, giảm đáng kể điều kiện kinh tế, xã hội và nghề nghiệp của nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa. Ngành công nghiệp âm nhạc dự kiến mất khoảng 43% doanh thu dự báo và theo một báo cáo của dự án hỗ trợ và phát triển âm nhạc thế giới WOMEX công bố vào tháng 6, 87% sự kiện đã bị hủy và chỉ 39% tìm thấy giải pháp thay thế trực tuyến cho các buổi biểu diễn.

Dưới tác động của dịch bệnh, nhiều nước đã áp dụng biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội, khiến nhiều lĩnh vực mất hoàn toàn nguồn thu nhập khi phải ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Chẳng hạn, ở Mỹ, nhiều nhà hát đã phải dừng hoạt động. Sân khấu vắng bóng khán giả, nhưng nghệ sĩ vẫn tiếp tục công việc của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án mới. Trong điều kiện không thể biểu diễn trên sân khấu, Nhà hát Public tại New York, Mỹ, đã hướng tới sản xuất các nội dung trực tuyến. "Điều kiện khó khăn không làm chúng tôi buông tay, từ bỏ sứ mệnh của mình. Phát sóng các vở kịch trên đài phát thanh, diễn kịch qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom… chúng tôi làm mọi thứ có thể để tiếp tục kết nối với khán giả và để loại hình nghệ thuật của mình tồn tại" - Giám đốc nghệ thuật Nhà hát Public Oskar Eustis chia sẻ.

Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề khi chưa nhiều khán giả trở lại rạp chiếu phim, nhiều nhà sản xuất đã chọn phát hành phim trên mạng. Như phim Pháp “Bronx’’ của đạo diễn Olivier Marchal - ban đầu dự tính ra rạp vào mùa thu 2020, nhưng đã chuyển hướng - chiếu trên mạng Netflix vào đầu tháng 9, nhằm thu hút đông người xem, hơn là phát hành tại rạp trong bối cảnh phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt phòng, chống dịch bệnh...

Nóng bỏng nạn vi phạm bản quyền

Khi Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động văn hóa, gây khó khăn trong sáng tạo tác phẩm mới, đáng lẽ đây là cơ hội để gia tăng thu nhập cho nghệ sĩ biểu diễn nghe nhìn bằng việc thu tác quyền từ những sản phẩm trước đó. Tuy vậy, việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, chia sẻ miễn phí tác phẩm văn học nghệ thuật trên internet đang khiến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này trở nên nóng bỏng hơn.

Sự chia sẻ miễn phí từ sách, phim cho tới âm nhạc, sân khấu... đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng khi họ phải tuân thủ các quy định giãn cách, phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng lớn, thu nhập và cuộc sống của nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng chịu tác động mạnh. Mới đây, Liên Hợp Quốc cảnh báo, đây cũng là một nguy cơ đối với ngành công nghiệp văn hóa vốn đã rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry cho rằng, các chính phủ cần tập trung vào biện pháp ngăn ngừa virus lây lan, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, họ cũng cần hỗ trợ hoạt động văn hóa nghệ thuật - "nền tảng sức khỏe tinh thần" của xã hội. 

Bảo vệ bản quyền mạnh mẽ hơn trong bối cảnh thúc đẩy số hóa là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này; và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. 

Thảo luận nghệ thuật trực tuyến ResiliArt của UNESCO vừa được tổ chức
Nguồn: ITN

Thực tế, quá nhiều nghệ sĩ chuyển sang giới thiệu tác phẩm trực tuyến cũng mang lại nhiều thách thức. Nghệ sĩ vĩ cầm Nina Obuljen Koržinek (Croatia) góp ý: “Song song với việc nghệ sĩ chia sẻ nội dung trực tuyến miễn phí với khán giả của mình trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cũng gửi đi thông điệp rằng cần bảo vệ bản quyền và trả thù lao công bằng cho các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật”. 

"Chúng ta phải suy nghĩ lại về cách bảo vệ nghệ sĩ, phải vận động các nước đang phát triển đẩy mạnh bảo vệ nghệ sĩ của mình. Bởi nghệ thuật không phải do công nghệ tạo ra, mà vẫn phải từ con người” - ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Benin, Angélique Kidjo nói. Trong khi đó, theo nhạc sĩ và đạo diễn phim tài liệu người Na Uy Deeyah Khan: “So với lao động trong các lĩnh vực khác, chúng tôi thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn, bởi vì các ngành nghề này không được xem là thiết yếu. Cần nhấn mạnh rằng, văn hóa và sáng tạo không phải là điều xa xỉ, thực tế là chúng cần thiết cho sự tồn tại của xã hội”.

"Trong thời kỳ bất ổn và vô định này, chúng ta cần tìm kiếm những điều gắn kết chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta cần nghệ sĩ" - Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận định. Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, việc ban hành các chính sách giúp đỡ nghệ sĩ, tài trợ cho các dự án nghệ thuật, hỗ trợ họ tìm kiếm kênh phát hành tác phẩm phù hợp, chuyển đổi phương thức tiếp cận khán giả... cần được các quốc gia quan tâm và sớm thực hiện.

Thảo Nguyên