Theo dòng sự kiện:

Mạch nguồn đổi mới

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 05:00 - Chia sẻ

Các nhiệm kỳ trước, thậm chí là hai năm đầu của nhiệm kỳ Khóa XIV, báo cáo công tác của một số cơ quan tư pháp gửi Quốc hội vẫn đóng dấu mật. Tại nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã phản ứng về vấn đề này. Bởi hệ quả của các báo cáo được đóng dấu mật như vậy không chỉ gây khó khăn cho các ủy ban, cụ thể là Ủy ban Tư pháp trong việc thẩm tra các báo cáo này mà còn gây khó cho các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và phát biểu ý kiến tại nghị trường, nhất là khi muốn đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết về một vấn đề cụ thể của ngành tư pháp. Với các cơ quan của Quốc hội, với đại biểu Quốc hội đã khó thì người dân càng khó hơn nữa khi muốn tiếp cận với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đến nay thì câu chuyện đó đã thay đổi hoàn toàn. Trong 3 năm trở lại đây, tất cả các báo cáo công tác của khối các cơ quan tư pháp gửi Quốc hội đã bỏ dấu mật. Với những thông tin, số liệu thuộc diện mật theo quy định của pháp luật thì được rà soát để đưa vào Phụ lục. Thậm chí, trong nhiệm kỳ này Quốc hội còn tiến hành một phiên thảo luận về công tác tư pháp có phát thanh, truyền hình trực tiếp tới cử tri và nhân dân cả nước. Sự thay đổi đó được định hình sau nhiều phiên trao đổi, thảo luận và làm việc kỹ của Thường trực Ủy ban Tư pháp với các cơ quan tư pháp. “Những đổi mới về công khai, minh bạch như vậy đã tạo điều kiện để cử tri có được thông tin đầy đủ về hoạt động của cơ quan tư pháp”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết tại phiên thảo luận hôm 26.3 của Quốc hội. Từng công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đại biểu Thủy có lẽ thấm thía hơn ai hết ý nghĩa của sự công khai, minh bạch này. Bởi từ đây, cử tri và nhân dân đã hiểu rõ hơn, đúng hơn, đánh giá khách quan hơn về hoạt động tư pháp và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các cơ quan tư pháp. Công khai, minh bạch cũng đã đặt ra yêu cầu đối với các đại biểu Quốc hội phải hoạt động chất lượng hơn, trách nhiệm hơn và đặc biệt, đã tạo ra áp lực đối với các cơ quan tư pháp phải luôn phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Bỏ “dấu mật” trong các báo cáo của cơ quan tư pháp trình Quốc hội trong 3 năm cuối của nhiệm kỳ Khóa XIV không chỉ là một “động tác kỹ thuật”. Điều quan trọng hơn, nó đã làm cho lĩnh vực tư pháp - vốn được cử tri hình dung như là “cấm địa”, phức tạp và nhạy cảm - trở nên công khai, minh bạch hơn. Từ đây, Quốc hội cũng giao chỉ tiêu cho lĩnh vực tư pháp cao hơn, chặt chẽ hơn so với nhiệm kỳ trước. Nếu nhiệm kỳ Khóa XIII, Quốc hội lần đầu tiên ban hành các nghị quyết chuyên đề về tư pháp và giao chỉ tiêu cho từng hoạt động thì đến năm 2019, Quốc hội đã tiến hành tổng kết, sửa các nghị quyết này theo hướng tích hợp tất cả các nghị quyết về tư pháp vào một nghị quyết chung để thuận cho việc áp dụng; giao chỉ tiêu cao hơn đối với nhiều hoạt động; đồng thời, đưa ra các định lượng cụ thể đối với những chỉ tiêu mà trước đây còn đang giao chung chung... Trong điều kiện số lượng án tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước và biên chế phải giảm so với yêu cầu chung thì việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội tại nghị quyết này là áp lực rất lớn đối với các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, “đây cũng là đòi hỏi của nhân dân về một nền tư pháp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Đó chỉ là một trong những cải tiến, đổi mới tưởng chừng chỉ mang tính kỹ thuật nhưng hiệu quả mang lại rõ nét, có tính lan tỏa rất lớn đã được các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa XIV. Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV dù không dành riêng một mục nào để nói về những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhưng mỗi phần, mỗi trang đánh giá về từng lĩnh vực hoạt động đều thấm đẫm tinh thần đổi mới.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc từng chia sẻ rằng, cuối nhiệm kỳ Khóa XIII, có nhà báo đã hỏi ông, “nhiệm kỳ này Quốc hội đổi mới nhiều như vậy thì đến nhiệm kỳ sau liệu có còn gì để đổi mới nữa hay không”. Và thực tế đã cho thấy, Quốc hội Khóa XIV không chỉ tiếp tục đổi mới mà còn đổi mới một cách căn cơ trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Đến thời điểm này, có lẽ không còn ai thắc mắc “liệu nhiệm kỳ sau Quốc hội có còn gì để đổi mới nữa hay không”. Bởi thực tiễn sinh động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV đã cho thấy, mạch nguồn đổi mới của Quốc hội sẽ không bao giờ cạn khi cội nguồn của tất cả những đổi mới ấy như chia sẻ của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc “đều được thôi thúc bởi trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân, để luôn xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân”.  

Quỳnh Chi