Mạnh dạn cắt bỏ

- Thứ Hai, 21/06/2021, 07:53 - Chia sẻ
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo Thông tư này, không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc tuyển dụng cũng như trong quá trình thi nâng ngạch với đội ngũ công chức hành chính.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 300.000 công chức hành chính. Theo ước tính, sẽ có khoảng 200.000 người phải hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu. Tính sơ bộ, chi phí từ 2,5 - 3 triệu đồng/chứng chỉ, với lượng người buộc phải hoàn thiện các chứng chỉ thì tổng số tiền phải bỏ ra là rất lớn. Dù chưa có con số tính toán thật cụ thể về lợi ích kinh tế, nhưng theo ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể đến chi phí thời gian và chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp trong quá trình phải đi học.

Đó mới chỉ là tính toán về văn bằng, chứng chỉ đối với công chức hành chính, trong khi đó, đối với viên chức thì số lượng người phải hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ còn lớn hơn rất nhiều.

Không thể phủ nhận, để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ đối với một số vị trí là cần thiết. Tuy vậy, có những quy định về chứng chỉ không thật sự phù hợp. Nhiều người ví thủ tục chứng chỉ như là “giấy phép con” không phải là không có lý. Đơn cử, theo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chức danh biên tập viên, phóng viên... các phóng viên hạng 3 sẽ phải có 5 loại giấy tờ: Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, xuất bản trở lên; Trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; Trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2); Trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên; Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phóng viên hạng III...; nếu không có Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, thì phải có thêm Chứng chí bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Quy định này đồng nghĩa với việc những nhà báo đã làm việc hàng chục năm trong nghề, thậm chí giành nhiều giải báo chí, nhưng tốt nghiệp chuyên ngành khác như: sư phạm, luật, kinh tế... phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ mới đủ thủ tục. Quy định này thực sự tạo gánh nặng chi phí không cần thiết cho viên chức trong việc phải chạy theo các văn bằng, chứng chỉ chỉ vì mục đích hợp lệ hồ sơ.

Để giảm gánh nặng văn bằng, chứng chỉ, mới đây, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, cắt giảm một số văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức. Theo đó bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức. Cùng với đó, Bộ cũng đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Như vậy, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ở một số ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức được đề nghị bãi bỏ, việc giảm các chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức cũng đã được lượng hóa bởi những con số cụ thể.

Cần nhấn mạnh rằng, bãi bỏ các chứng chỉ là cần thiết, tuy vậy chúng ta không nên cắt bỏ một cách cứng nhắc, cơ học, mà cần được tính toán kỹ lưỡng đối với từng vị trí việc làm. Việc cắt giảm thực hiện theo yêu cầu, bảo đảm nguyên tắc việc bỏ các chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một cách thực chất, nhất là trình độ ngoại ngữ; phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Không khó để thấy rằng, việc loại bỏ, cắt giảm chứng chỉ sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ. Vì vậy, có “tâm tư” của người này, người kia là điều khó tránh khỏi. Nhưng đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu viên chức và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm bằng được những chứng chỉ không phù hợp.

Việc nói “không” với văn bằng, chứng chỉ không cần thiết trong quá trình tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không chỉ thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Nội vụ trong việc xóa bỏ những chứng chỉ, văn bằng chỉ “làm đẹp hồ sơ” mà còn thể hiện sự dũng cảm, dám mạnh dạn cắt bỏ lợi ích của chính ngành mình để giảm gánh nặng đối với công chức. Mặt khác, nhằm đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ công chức thực chất, khoa học, hiệu quả hơn. Bộ Nội vụ đã làm được, không có lý do gì các bộ, ngành khác lại chần chừ.

Hà An