Mảnh ghép sân khấu - cuộc đời nghệ sĩ miền Tây

- Thứ Sáu, 28/08/2020, 05:02 - Chia sẻ
Trong hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây, đoàn làm phim “Đoạn trường vinh hoa” đã gặp gỡ và ghi lại diễn biến cuộc sống của những ông hoàng bà chúa trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chật vật mưu sinh ngoài đời. Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ khi chuẩn bị đưa bộ phim ra mắt công chúng.

Khi bức màn buông

- Thực hiện hơn 100 giờ quay trong 18 tháng đồng hành với nhân vật trên sân khấu và cả trong những mảnh ghép cuộc đời để có 50 phút phim ra mắt khán giả, cơ duyên nào đã đưa anh tới dự án dài hơi này?

- Khoảng 10 năm gần đây đất diễn cho cải lương, tuồng cổ bị thu hẹp liên tục trên các sân khấu giải trí, vì vậy mà sân khấu đình làng (hay đình thần) trở thành “đất thánh” của loại hình này. Êkip thực hiện bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” cũng tình cờ biết tới hình thức diễn xướng này qua một số bức ảnh đăng trên báo về một gánh tuồng cổ trong dịp lễ Kỳ Yên tại một đình thần Nam Bộ.

Phim là hành trình theo chân gánh cải lương tuồng cổ ở miền Tây.
Ảnh: ĐPCC

"Điều quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể bước vào đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật của họ. Đó là thách thức lớn mà cho đến lúc này chúng tôi cũng không thật sự biết chính xác rằng mình đã vượt qua bằng cách nào…".

Đồng tác giả dự án
Thanh Nguyễn

Tìm hiểu thì tôi được biết trong 6 tháng đầu năm, nhiều đình ở Nam Bộ nói chung và ở TP Hồ Chí Minh nói riêng, tổ chức lễ Kỳ Yên. Diễn hát bội (và cải lương tuồng cổ) gọi chung là hát chầu đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu tại mỗi kỳ đáo lệ. Nét văn hóa có phần xa lạ so với những người sống ở miền Bắc là một trong những xuất phát điểm khơi gợi sự tò mò, muốn được khám phá của êkip thực hiện bộ phim. Và chúng tôi đã bắt đầu hành trình từ những thông tin, cảm nhận đầu tiên như thế.

- Bộ phim sẽ tái hiện cả “vinh hoa” lẫn “đoạn trường” của những nghệ sĩ miền Tây ra sao, thưa anh?

- “Đoạn trường vinh hoa” như một cuộc rong ruổi cùng những nghệ sĩ mang lời ca, tiếng hát của mình đến với khán giả là người dân vùng quê các tỉnh miền Tây. Vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, mỗi người một nơi, người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, Bạc Liêu lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các đình thần, vừa là để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc.

Chúng tôi tìm đến đoàn hát với tâm thế muốn ghi nhận lại cuộc sống của họ trước, trong và sau những dịp biểu diễn đó, không hề có định kiến về sự khổ sở. Bởi chúng tôi tâm niệm, chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống.

Ảnh: ĐPCC

Đam mê nghệ thuật truyền thống

- Với hình thức thể hiện hướng tới phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, nhóm làm phim có gặp khó khăn gì khi đồng hành với gánh hát?

- Mặc dù không khó để thuyết phục đoàn cho ghi hình làm phim, nhưng để họ dốc hết tâm can chứ không phải diễn cho vui lòng thì không phải chuyện ngày một ngày hai. 4 tháng sau khi theo chân gánh hát, chúng tôi mới ghi được những thước hình đầu tiên. Ngày chia tay, các thành viên trong đoàn tâm sự rằng từng nghĩ từ chối chúng tôi. Họ không muốn trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại về đam mê hay cuộc đời của những nghệ sĩ nghèo. Có lẽ bởi vì không hỏi gì nên chúng tôi đã may mắn được bước phần nào vào cuộc sống của họ một cách tự nhiên nhất trong khả năng của mình.

Các thành viên gánh hát cứ ngày rằm lên sân khấu diễn và sau đó trở về đời sống thực, làm việc mưu sinh, tuần tự như vậy hàng tháng, hàng năm. Làm thế nào với chất liệu vừa nhiều vì mọi thứ đều lạ lẫm, nhưng lại không có mâu thuẫn, xung đột, là trải nghiệm, tìm tòi và cũng gây nhiều tranh cãi trong êkip thực hiện. Ban đầu, chúng tôi dự định tập trung vào sự đối lập giữa sân khấu và cuộc đời, có nhiều nhân vật, mỗi nhân vật sẽ kể câu chuyện nào đó trong đời sống riêng, nhưng cuối cùng phim lại đi theo mạch hoàn toàn khác.

- Những kỷ niệm và ấn tượng nào đọng lại trong anh sau khi những cảnh quay đã kết thúc?

- Chúng tôi lẽo đẽo theo chân đoàn hát hơn một năm, ăn cơm đình, ngủ chiếu võng, nằm sân gạch cùng các cô, các chú, lâu dần cũng ngấm một ít bản năng sương gió của người miền Tây. Muỗi, dĩn, bụi phủi lâu dần thành ra cũng không còn nề hà nữa. Được ăn ngủ cùng họ, chứng kiến những gì diễn ra xung quanh đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực là niềm hạnh phúc đặc biệt mà những người làm phim có được.

Đôi khi chúng tôi không hiểu tại sao những người đó lại đam mê với sân khấu như thế. Không có tiền bạc hay sự lấp lánh nổi tiếng, nhưng với họ được diễn là điều gì đó rất tuyệt vời, ý nghĩa, dù trên hành trình ấy có rất nhiều thứ xảy ra, đòi hỏi họ phải vượt qua để giữ được đam mê ấy.

- Hiện nay tại Việt Nam, phim tài liệu khó đến với công chúng. “Đoạn trường vinh hoa” sẽ ra mắt khán giả qua những kênh nào?

- Phim sẽ công chiếu vào tháng 10 - 11.2020 tại Hà Nội, Cần Thơ, và TP Hồ Chí Minh, trước khi phát sóng trên chương trình VTV Đặc biệt tháng 11.2020. Nếu như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhóm dự án có một số buổi chiếu tại rạp, tại Cần Thơ phim dự kiến sẽ được công chiếu ở một ngôi đình cổ với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương. Đây như món quà chúng tôi tri ân nơi bắt đầu hành trình, ghi những thước hình đầu tiên.

Các buổi chiếu hoàn toàn miễn phí, nhằm chia sẻ thông điệp về môn nghệ thuật truyền thống đang mai một đến với đa dạng đối tượng trong xã hội. Rộng hơn, bộ phim thể hiện tiếng nói của một nhóm thiểu số, câu chuyện về niềm đam mê... Chúng tôi mong sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm điện ảnh giàu chất liệu và cảm xúc.

- Xin cảm ơn anh!

Ngọc Phương thực hiện