“Mạnh tay” với chậm giải ngân ODA

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 08:35 - Chia sẻ
Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài tính đến ngày 31.10.2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”. Nhấn mạnh này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho thấy quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ trong việc không để lãng phí nguồn vốn vay này.

Phải khẳng định, ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Thực tế cho thấy, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực và kết quả nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH, nhiều chương trình, dự án đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh những bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong một số dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ. Vụ án PMU 18, hay Huỳnh Ngọc Sỹ là những ví dụ điển hình. Điều đó cho thấy, đã có thời điểm, việc sử dụng nguồn vốn ODA của chúng ta không đúng mục đích nhưng lại không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Nếu như việc sử dụng nguồn vốn ODA không đúng mục đích, gây thất thoát, làm lợi cho số ít cá nhân thì việc “ôm khư khư” tiền ODA mà không sử dụng cũng gây nên sự lãng phí không nhỏ. Bởi ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ viện trợ không hoàn lại, thì phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện, do đó, chậm giải ngân ngày nào sẽ lãng phí nguồn lực ngày đó.

Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng về điều này. Còn nhớ, trên diễn đàn Quốc hội Khóa XIII, khi ấy Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã rất trăn trở bởi những bất cập, sai phạm trong sử dụng ODA chậm được khắc phục, điều này góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn, trên cơ sở đó bà đề nghị cần có giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này.

Đến nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, những bất cập trong sử dụng nguồn vốn ODA vẫn được các đại biểu Quốc hội đặt lên bàn nghị sự. Tại Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội Khóa XIV, trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị làm rõ nguyên nhân việc giải ngân nguồn vốn ODA chưa bảo đảm lộ trình cam kết, và trách nhiệm của tập thể bộ, ngành, địa phương khi để xảy ra tình trạng này? Văn bản trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề này, Thủ tướng thừa nhận, một số cơ quan chủ quản lập kế hoạch vốn chưa sát với tình hình thực tế và khả năng giải ngân. Một số bộ, ngành Trung ương và địa phương đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn một số ít bộ, ngành Trung ương và địa phương giải ngân rất thấp. Nguyên nhân việc giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài chậm chủ yếu do: khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ; lúng túng trong triển khai thực hiện một số quy định mới của Luật Xây dựng; giải phóng mặt bằng còn chậm…

Rõ ràng, tình trạng chậm giải ngân ODA là một thực tế đã tồn tại từ lâu, việc nhận diện và những giải pháp cũng đã được đưa ra, nhưng tiếc rằng, cho đến thời điểm này, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đã đến lúc, chúng ta phải quyết liệt hơn với tình trạng chậm trễ này.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14. Theo đó, ngoài yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát theo thẩm quyền; xây dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có. Việc có “chế tài mạnh” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đối với tập thể, cá nhân khi để xảy ra sai phạm và sử dụng nguồn vốn ODA kém hiệu quả là điều cần phải làm. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Bởi, nếu không xử lý trách nhiệm đến cùng thì tình trạng chậm giải ngân vốn ODA sẽ chưa thể có hồi kết.

Lê Hùng