“Mạnh tay” với công trình không phép

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:51 - Chia sẻ
Mới đây, UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Phan Phi Hổ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định. Lý do là ông Hổ đã vi phạm hành chính khi chuyển đất rừng trồng sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại đồi Xuân Vân, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.

Trên diện tích đất rừng nhưng ông Hổ đã xây dựng ngôi nhà bao gồm móng đá, tường gạch xây đã trát, mái đã lợp ngói diện tích 48m2, xây dựng chòi lục giác 12m2, một số bậc tam cấp dài 15m. Với hành vi này, ông Hổ bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng, đồng thời bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền hơn 4,1 triệu đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu đất trước khi vi phạm. Đây là đất lâm nghiệp, nhưng ông Hổ đã tự ý xây nhà kiên cố và nhiều hạng mục khác không phép. Việc làm này đã xảy ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Xây nhà kiên cố trên đất lâm nghiệp trái phép như ông Hổ không phải là trường hợp cá biệt. Có một số địa phương do buông lỏng quản lý đã xảy ra tình trạng vi phạm tương tự. Cách đây chưa lâu, hình ảnh những ngôi nhà kiểu dáng biệt thự tại tiểu khu 268, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cạnh Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm cũng đã được xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp. Sau đó, lực lượng liên ngành của huyện này đã phải vào cuộc cưỡng chế phá dỡ một số công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng.

Không nói đâu xa, ngay ở Hà Nội, đã có những ngôi nhà kiên cố, thậm chí là biệt thự xây dựng trái phép mọc lên từ khu đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn gây bức xúc dư luận. Để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài, gần 40 cán bộ đã bị xử lý kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc. Tuy nhiên, xử lý những công trình sai phạm này không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt, để trả lại đúng hiện trạng không gian xanh của rừng là điều không thể. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới độ che phủ rừng, đến cân bằng sinh thái. Đây chỉ là một trong số những trường hợp vi phạm pháp luật về xây dựng trái phép trên đất rừng đã xảy ra trong thời gian qua. Đáng nói là có những chủ công trình là những người từng là cán bộ, có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV về tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 18/2011/QH13, Chính phủ cũng nhận định: tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn ra, đặc biệt ở các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên. Còn điểm “nóng” về phá rừng chưa được giải quyết triệt để, tình trạng phá rừng trái pháp luật còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi…

Câu hỏi đặt ra là, việc xây dựng những công trình kiên cố trên đất rừng không phải diễn ra trong ngày một ngày hai, tại sao chính quyền sở tại, cơ quan chức năng lại không biết? Phải chăng có sự tiếp tay, bao che, làm ngơ cho sai phạm đối với những trường hợp vi phạm này?.

Với hậu quả của biến đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt bất thường xảy ra thời gian qua cho thấy, việc bảo vệ rừng càng là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Cùng với việc trồng mới cần bảo vệ diện tích rừng đã có, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải nói không với công trình trái phép mọc trên đất rừng, không để tình trạng "phạt cho tồn tại" xảy ra. Phải xử lý nghiêm các đối tượng là các chủ công trình vi phạm. Đặc biệt, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi “bảo kê” cho các công trình trái phép trên đất rừng để răn đe. Cùng với đó, chính quyền sở tại, các cơ quan có thẩm quyền phải ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ đầu. Bởi để những công trình kiên cố mọc trái phép trên đất rừng cũng đồng nghĩa hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn hécta rừng đã bị “chảy máu”. Và việc khắc phục hậu quả, để trở về nguyên trạng của rừng không phải là việc của ngày một, ngày hai.

Lê Hùng