Sổ tay:

Mất tiền oan vì tin người lạ

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:09 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, nhiều người dân đã mất tiền tỷ khi nhận được những cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là cán bộ của cơ quan công an, thi hành án, tòa án, viện kiểm sát… Trước thực trạng đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân, tổ chức không thực hiện các yêu cầu, giao dịch chuyển tiền từ người lạ; đồng thời sáng suốt nhận diện, tích cực trong tố giác hành vi xấu.

Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo lực lượng công an các cấp đã thường xuyên đưa ra cảnh báo cũng như tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng cũng như các phương tiện truyền tin tại Việt Nam. Tuy vậy, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Điều đáng nói, đối tượng dùng thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của viện kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn nhiều người dân “mắc bẫy” lừa đảo thời gian qua là do đối tượng dùng thủ đoạn, chiêu bài tinh vi, xảo quyệt để đánh vào tâm lý người dân như: giả là cán bộ tư pháp, công an, nhân viên bưu điện, và đối tượng dùng số máy ẩn có mã số gần giống với mã của ngành công an, quân đội... để gọi cho người dân. Và số bị hại bị các đối tượng lừa đảo thường là phụ nữ và người già trên 60 tuổi... Đây đều là những bị hại ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Chính vì vậy, mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Và nguyên nhân nữa là khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Để hạn chế tội phạm giả danh cán bộ lừa đảo người dân, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo: người dân không nên tin lời người lạ, không cung cấp tài khoản, mã OTP hoặc chuyển tiền cho người khác khi trao đổi qua điện thoại, internet. Bởi nếu có vấn đề gì lực lượng chức năng sẽ đến trực tiếp hoặc thông qua chính quyền để làm việc, tuyệt đối không thông qua gọi điện hoặc trao đổi qua mạng. Do vậy, khi nhận các cuộc điện thoại cũng như trao đổi có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. 

Hải Thanh