Mấu chốt vẫn là phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả

- Thứ Hai, 30/08/2021, 13:56 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hôm 29.8, chỉ trong vòng 1 tháng, đã có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư và các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2020, rong đó, TP. Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1%, tăng 6,6%. Có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chiếm 50,5%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng qua, cả nước có 81.600 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.133 nghìn tỷ đồng; số lao động đăng ký là 598.900 lao động, giảm 8% về số doanh nghiệp, 7,5% về vốn đăng ký và13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114.000 doanh nghiệp. Tính trung bình mỗi tháng có gần 14.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng có thời hạn là tương đương đương nhau - một mặt cho thấy những tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng đồng thời qua đó cũng cho thấy sự nỗ lực, tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp và những giải pháp hỗ trợ của các cơ quan chức năng đã có những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời tạo nền tảng để phát triển về sau, điều quan trọng vẫn là phải sớm kiểm soát được dịch bệnh, từ đó khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thực hiện được điều này, ngoài những giải pháp đã được triển khai, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với nhiều nội dung, nhóm giải pháp.

Cụ thể, phấn đấu đến hết năm 2021 có khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hỗ trợ tín dụng; khoảng 160.000 doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất. Khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Những nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu này là giải pháp phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid -19; bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine gồm người lao động của doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động, người lao động trong lĩnh vực có tiếp xúc cao. Tiếp đó là bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp và giải pháp cuối cùng là về lao động và chuyên gia.

Thời gian tới, diễn biến của dịch còn rất khó lường, nhất là tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam vậy nên, ngoài việc ban hành các chính sách hỗ trợ, điều quan trọng là phải kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đã và đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Ninh Khương