Màu của những giá trị tàn phai

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:30 - Chia sẻ
Là “một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng”; là sắc áo lính của đồng đội hiện về rồi biến mất trong giấc mơ, chỉ còn lại vệt sao trên trời… và lý do nữa khiến phim không mang một cái tên mà chỉ cần nghe đến thôi người ta đã biết là Trần Tiến. Như đạo diễn Lê Nguyên chia sẻ: “Tôi muốn thứ gì đó lắng đọng hơn. Ý niệm thứ ba là về những giá trị đang tàn phai. ‘Màu cỏ úa’ là màu của sự tàn phai”…

Theo chuyến du ca…

“Tôi là một đứa trẻ nghiện xem ti vi, tôi có thể ngồi cả ngày trước màn hình vô tuyến. Thập niên 1990, trên ti vi hay xuất hiện một người đàn ông hay ngồi, say xưa hát. Và trước khi hát, ông luôn kể một câu chuyện. Mãi khi vào đại học, tôi mới hiểu được những câu chuyện mà ông đã kể, càng hiểu, tôi càng yêu thêm âm nhạc của ông. Rồi tôi bước vào thế giới của chiếc ti vi, trở thành một biên tập viên truyền hình, nhưng ông đã không còn xuất hiện. Tôi hiểu ra rằng, chiếc ti vi bé nhỏ không còn chỗ dành cho ông và thế hệ của ông nữa. Tôi cần phải đi tìm ông”.

Tâm sự ấy đã dắt người xem vào hành trình du ca của nhạc sĩ Trần Tiến. 80 phút phim tài liệu “Màu cỏ úa” là sự chấm phá, khắc họa chân dung của nhạc sĩ từ khi là người lính trẻ đam mê ca hát tới nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng ở cái tuổi thất thập đầy lãng tử và hóm hỉnh. Khán giả gặp lại ông trong những ca khúc trình chiếu trên truyền hình, trong những góc nhìn rất riêng về chiến tranh, về biển và về Hà Nội. Đó cũng là những thời điểm sâu đậm nhất trong cuộc đời và âm nhạc của ông. Đan xen từng thước phim, hình ảnh là lời ca và âm nhạc. Sự hài hòa, ăn khớp nội dung, câu chuyện ấy đã phần nào nói lên chất nhạc rất đời làm nên tên tuổi của Trần Tiến.

“Màu Cỏ Úa” là những thước phim chân thực nhất về chân dung nhạc sĩ Trần Tiến  

Như chuyến du ca đầu tiên, bờ biển Quảng Bình hiện ra giữa mùa nắng tháng 6 của 5 năm trước. Trần Tiến đứng trước biển kể lại bao nhiêu câu chuyện, về những ngày sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng sông Hồng, rồi khi tuổi cao lại chọn thành phố biển Vũng Tàu làm chốn dừng chân. Đối với đạo diễn Lan Nguyên, đó là những cảnh quay “đẹp và buồn”, cái đẹp và cái buồn được tẩm ướp và khoác lên dáng hình âm nhạc. “Như ông nói, ông yêu biển, viết rất nhiều bài hát về biển. Biển trong âm nhạc của ông như có vô vàn dáng hình, nhưng dáng hình nào cũng mang nỗi buồn, nỗi buồn to lớn, mênh mông như biển cả mà chẳng bao giờ con người có thể thấu hiểu”.

Những chuyến du ca khác, về dưới gốc me, trong quán bia hơi vỉa hè Hà Nội, về với bè bạn người thân… Từ Quảng Bình về Hà Nam, Hà Nội, Lâm Đồng… vẫn con người ấy, vẫn chất giọng ấy, phong cách ấy, mà gây không hết thú vị, không hết tò mò. Có những đêm biểu diễn đặc biệt, chẳng hạn ở bình nguyên Đa Mi (Lâm Đồng), Trần Tiến và các nghệ sĩ như Hà Trần, Đoan Trang, ban nhạc Ngũ Cung… hát cho những người lao động, những nông dân chân lấm tay bùn trên một sân khấu không ánh đèn màu…

Một đời và một thời

 ​​​​“Màu cỏ úa” là phim tài liệu đầu tay của đạo diễn Lan Nguyên. Tại TP Hồ Chí Minh, phim được chiếu thương mại tại rạp Dcine Bến Thành với các suất chiếu cố định 18h30 và 20h10, từ 30.11 - 6.12. Tại Hà Nội, sau buổi ra mắt phim ngày 30.11, phim sẽ được công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từ 4.12.

Quay phim Vũ Tùng Lâm chia sẻ, mỗi khoảnh khắc cùng đi, cùng du ca với Trần Tiến là một cơ hội để anh được sống lại không gian âm nhạc đúng chất Trần Tiến, được tìm lại một thời đã yêu và nghe Trần Tiến rất nhiều. “Không có một chút lặp lại, tất cả đều hấp dẫn và mới mẻ, vì mỗi nơi, ông lại có một câu chuyện để kể. Mà câu chuyện của Trần Tiến có lẽ dài bất tận, dư dả cho người ta nghe, người ta cảm, người ta xúc động”.

“Cảm” và “xúc động”, mà giống ngôn từ của Trần Tiến, cứ nhẹ nhàng, thủ thỉ đi vào lòng người bằng câu chuyện gần gũi. Cũng chính bởi sự gần gũi, thân quen đến vậy nên trong những ngày dựng phim, sau 5 năm kiên trì theo chân nhạc sĩ để quay phim, ê kíp quyết định đổi tông màu của phim thành đen trắng, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn những đoạn trích bản thu bài hát của ông. “Có lẽ, chỉ sắc màu phim như thế mới diễn tả chân xác nhất tinh thần của ‘Màu cỏ úa’, mới phác họa tốt nhất về Trần Tiến, và lưu giữ cảm xúc của từng khuôn hình bền vững theo thời gian”, đạo diễn Lan Nguyên nói.

Dù mạch phim cũng không chủ định phân biệt rõ về tuyến tính thời gian, nhưng “Màu cỏ úa”, theo một cách tự nhiên, dường như vẫn truyền tải trọn vẹn hành trình du ca một đời của Trần Tiến khi còn trẻ, lúc đi lính, rồi vào ‘Sài thành’ lập nghiệp, cùng bao kỷ niệm và suy ngẫm về cuộc đời, về âm nhạc… Nhưng tất cả, khi lần lượt hiện ra trên màn ảnh, như đều được thu vào, nhường chỗ cho các ca khúc vang lên: "Mặt trời bé con", "Một mình", "Sắc màu", "Vết chân tròn trên cát"… Bởi suy cho cùng, điều đọng lại vẫn cứ là Trần Tiến - một cuộc đời âm nhạc.

5 năm trước, Trần Tiến hoàn toàn không đồng ý thực hiện bộ phim này. Nhưng hôm gặp Lan Nguyên, tình cờ nghe được cô gái 9X hát bài “Tạm biệt chim én” hay quá, ông đã gật đầu vì lý do: “Hát được như vậy thì làm phim được”. Nhưng “Màu cỏ úa” - kết quả của hành trình rong ruổi 5 năm qua, với Lan Nguyên chính là cuộc trở về, về với một thời, về với tàn phai quá khứ nhưng còn nguyên giá trị được hun đúc bởi những cuộc đời như Trần Tiến. “Tôi làm phim và tôi đón nhận. Nhận từ con người đã bước ra từ ký ức tuổi thơ tôi, nhận từ hành trình đó sự trưởng thành để biết cách trân trọng những giá trị một đời và một thời”.

Hải Đường