Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải:

Mâu thuẫn, xa thực tế

- Thứ Bảy, 03/03/2018, 09:04 - Chia sẻ
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được xây dựng trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời, tạo nguồn thu để chi trả cho các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng (từ ngày 1.7.2017), Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã nảy sinh không ít bất cập từ phương thức tính phí.

Đánh đồng một mức thu

Đối với các cơ sở không có đồng hồ đo lượng nước thải thì lượng nước thải được xác định dựa trên kết quả đo đạc thực tế của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoặc được tính bằng 80% lượng nước sử dụng hoặc thông tin trong báo cáo đánh giá tác động môi trường theo định kỳ hàng quý (Điều 7 Nghị định 154/2016).

Theo quy định, mức tính phí cố định, 1,5 triệu đồng/năm đối với các cơ sở có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 20m3/ngày đêm cho tất cả các ngành nghề là chưa hợp lý. Thực tế cho thấy, một số cơ sở sản xuất trong những lĩnh vực ngành nghề đặc thù sử dụng nước rất ít, dưới 1m3/ngày đêm hoặc thậm chí sử dụng chưa đến 10m3/tháng như cơ khí, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng, đá chẻ… hoặc có những cơ sở sản xuất gần như không sử dụng nước như may mặc mà không dệt nhuộm, thạch cao… Khi tiến hành thu phí, các địa phương gặp không ít khó khăn vì bị các cơ sở này phản đối gay gắt. Bởi không thể đánh đồng giữa cơ sở sản xuất chỉ sử dụng dưới 1m3/ngày đêm với cơ sở sản xuất sử dụng gần 20m3/ngày đêm.

Ngoài ra vì không quy định rõ phí cố định 1,5 triệu đồng/năm thu theo hộ gia đình sản xuất hay thu theo số lượng cơ sở sản xuất/hộ gia đình, nên trường hợp một hộ gia đình thành lập nhiều cơ sở sản xuất nên các cơ quan chức năng cũng biết thu thế nào cho phù hợp.

Ngoài quy định mức phí cứng cho tất cả đối tượng ngành nghề, thì Nghị định này còn tính phí biến đổi cho các cơ sở sản xuất có lượng nước thải từ 20m3/ngày đêm - tức là nếu cơ sở sản xuất có lượng thải nêu trên thì phải đóng thêm phí. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất ở Việt Nam chủ yếu là nhỏ, lượng nước thải không cao, nên rất hiếm cơ sở sản xuất đạt ngưỡng để thu phí. Điều này, vô hình chung làm thất thu nguồn phí, dẫn đến không đủ bù đắp chi phí cho hoạt động BVMT.

Tạo gánh nặng thực thi

Nghị định 154/2016 quy định nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản là đối tượng chịu phí BVMT. Nhìn từ góc độ bảo vệ môi trường thì thấy việc thu phí đối với tất cả các chất gây ô nhiễm giúp phản ánh được đúng bản chất và mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vì phạm vi quá rộng nên khó có tính khả thi, nhất là khi lực lượng kiểm tra chuyên ngành ở cấp tỉnh, huyện mỏng. Chẳng hạn, để thực hiện quy định “đối với các hộ gia đình sử dụng nước cấp từ hệ thống cấp nước tập trung, việc đóng phí BVMT đối với nước thải hoặc đóng phí dịch vụ thoát nước đều đóng cho đơn vị cung cấp nước sạch. Các đối tượng chịu phí khác sẽ do các Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc chủ sở hữu hệ thống thoát nước tính toán, xác định và trực tiếp thu” thì Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc doanh nghiệp kinh doanh lại phải tính toán bố trí nhân sự (hoặc thêm việc) để thực hiện việc thu phí.

Ngoài ra, quy định thu phí BVMT đối với 4 kim loại nặng cho tất cả ngành nghề cũng được đánh giá là bất hợp lý. Trên thực tế, mỗi loại hình sản xuất công nghiệp có một đặc thù riêng, công nghệ sản xuất đa dạng nên việc phát thải gây ô nhiễm khác nhau. Điển hình, nước thải từ khai thác khoáng sản chủ yếu là nước mưa hoặc với các loại hình như khai thác cát thì không sử dụng nước nhưng lại nằm trong đối tượng phải nộp phí BVMT với nước thải. Điều này khiến cho các chủ doanh nghiệp bức xúc, các ngành chức năng khó khăn trong việc tính toán lưu lượng nước thải và áp dụng mức thu cho các đơn vị này.

Không chỉ tạo thêm chi phí tuân thủ cho đối tượng chịu thuế, mà còn gây khó cho chính cơ quan thực thi pháp luật. Hiện nay, chi phí thực tế về việc lấy mẫu, phân tích hàm lượng thông số ô nhiễm cao, thậm chí, có trường hợp cao hơn số phí thu được từ cơ sở sản xuất. Do chi phí lấy mẫu tốn kém, nên nhiều địa phương chỉ tiến hành lấy mẫu phân tích thông số ô nhiễm theo xác suất (trung bình chỉ từ 50 đến 80 lần/năm). Chính vì thế, không thể giám sát hết tất cả thông số ô nhiễm của các đơn vị sản xuất. Việc xác định thông số ô nhiễm tính phí chủ yếu dựa vào sự kê khai của cơ sở sản xuất, khai nhiều thu nhiều, ít thu ít. Tuy nhiên, việc kê khai không trung thực là phổ biến và cũng dễ hiểu. 

Nguyễn Minh