Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang

Máy móc im lìm, chủ xưởng kêu cứu

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:32 - Chia sẻ
Thái Bình là tỉnh thuần nông có 6 huyện sản xuất hương xuất sang Ấn Độ. Việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang khiến 2 huyện thiệt hại nặng nhất là Tiền Hải và Quỳnh Phụ. Hầu hết xưởng của 2 huyện này đã ngừng sản xuất. Các chủ xưởng cho biết, nếu tình trạng này kéo dài trong 1 tháng nữa, nguy cơ phá sản của họ rất gần và hàng nghìn lao động trong độ tuổi 45 - 70 sẽ mất việc.

Chữ “phá sản” đang rất gần

Giữa năm 2016, nhận thấy tiềm năng xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ rất lớn, lại góp phần tạo việc làm cho những lao động trong độ tuổi 45 - 70 không có nghề, cũng không đủ sức khỏe để xin vào các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, anh Nguyễn Văn Tới, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, Thái Bình quyết định đầu tư 2,8 tỷ đồng gây dựng xưởng sản xuất hương nhang. Công việc đang tiến triển rất thuận lợi, “làm đến đâu hết đến đấy”. Mỗi tháng xưởng của anh Tới sản xuất 40 tấn hương nhang thành phẩm để xuất sang Ấn Độ, doanh thu trên 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho trên dưới 40 người. Thế nhưng, “đùng một cái, chúng tôi nhận được thông báo rằng phía Ấn Độ ngưng nhập khẩu hương nhang từ ngày 31.8, trong khi lượng hàng tồn kho cho các đơn hàng trong tháng 8 vẫn còn. Thực sự rất sốc”, anh Tới chia sẻ.

Bà Diên chỉ mong sớm có việc làm trở lại Ảnh: H. Lan

Hiện, lượng hàng tồn kho (gồm hương thành phẩm và nguyên liệu) trong xưởng của anh Tới trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Hàng không xuất đi được, song anh Tới vẫn quyết định cho công nhân sản xuất nốt phần nguyên liệu tồn đọng với hy vọng “Chính phủ sớm có hướng giải quyết để chúng tôi xuất được hàng”. Thêm nữa, “bây giờ đang là lúc nông nhàn, nếu cho người lao động nghỉ đồng loạt thì họ biết kiếm thu nhập ở đâu?”. Tuy vậy, anh Tới thừa nhận, “nếu tình trạng hàng tồn kho không thể giải quyết trong chừng một tháng nữa, chúng tôi không thể trụ nổi vì vốn lưu động cũng cạn rồi. Chữ “phá sản” trước đây chẳng bao giờ tôi nghĩ tới, vì đã tìm hiểu thị trường, đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trước khi quyết định mở xưởng, giờ đang thấy rất gần”.

Tương tự, xưởng sản xuất của anh Nguyễn Văn Đạt, xã Phương Công, Tiền Hải đang hoạt động cầm chừng với niềm tin “các xưởng sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang trong cả nước đang gặp khó, chắc chắn Chính phủ sẽ có biện pháp tháo gỡ”. Nếu như trước đây, mỗi tháng, xưởng của anh xuất được 30 tấn hương thành phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 35 - 40 lao động thì hiện chỉ duy trì khoảng 10 nhân công để giải quyết nốt lượng nguyên liệu tồn. Nhìn vào 30 tấn hương thành phẩm và 15 tấn nguyên liệu trị giá chừng 700 triệu đang “găm” lại xưởng trong khi tiền lãi ngân hàng, nhân công, tiền điện phải chi trả lên tới 130 triệu/tháng, anh Đạt giờ “không biết sẽ xoay xở thế nào”.

Kém may mắn hơn, hộ gia đình anh Nguyễn Đình Tư, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ phải đóng xưởng từ đầu tháng 9 đến nay. Từng có 5 - 6 năm làm nghề chăn nuôi lợn, dịch tả lợn châu Phi “quét” qua khiến anh Tư “chỉ thiếu nước phải bán cả trang trại”. Tuy nhiên, nhờ được ngân hàng hỗ trợ vay ngót 800 triệu đồng, anh Tư chuyển sang mở xưởng làm hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ từ tháng 2 năm nay. “Mất 3 tháng đầu làm chỉ để trả lãi, từ tháng thứ 4 có tiền trả lương cho 27 nhân công. Nhưng bây giờ, hàng không xuất được, tồn kho tổng thể 20 tấn cả nguyên liệu lẫn thành phẩm, với số tiền chừng 230 triệu đồng, chưa biết đến khi nào mới được xuất khẩu trở lại khiến chúng tôi đang rất tuyệt vọng!”, anh Tư thở dài.

Ông Giáp tồn kho 1.000 thùng hương thành phẩm, trị giá 370 triệu đồng Ảnh: H. Lan 

Nhà xưởng im lìm

 Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Giáp, cả tỉnh Thái Bình có khoảng trên 3.000 máy làm hương, sản xuất được hơn 3.000 tấn hương thành phẩm/tháng phục vụ thị trường Ấn Độ là chính. “Giờ hầu hết các xưởng trong tỉnh ngừng hoạt động. Thông thường, mỗi máy làm hương cần 4 công nhân phục vụ, từ sản xuất cho đến đóng gói… như vậy có gần 12.000 lao động mất việc làm”, ông Giáp nói.   

Sự đìu hiu là cảnh tượng chung trong các xưởng làm hương nhang ở huyện Quỳnh Phụ. Xưởng sản xuất 26 máy của gia đình ông Nguyễn Văn Giáp, xã An Mỹ, ngừng hoạt động từ ngày 2.9, khiến 40 công nhân tuổi từ 45 đến 68 mất việc làm. Chỉ vào lô hương thành phẩm đã đóng thùng chất cao ngất, ông Giáp cho biết hàng tồn kho của gia đình ông trị giá 370 triệu đồng. Nếu phải đóng xưởng, ông Giáp cầm chắc mất trắng 1 tỷ đồng tài sản cố định được sắm sửa bằng tiền vay ngân hàng. “Nhưng nhà tôi cũng chưa bi đát bằng nhà cháu Cường cùng xã hay nhà chị Thương bên huyện Hưng Hà”, ông Giáp cho biết.

Sinh năm 1997, Nguyễn Văn Cường lập gia đình cách đây hơn một năm. Sau đám cưới, vợ chồng Cường tiết kiệm được 50 triệu, vay mượn thêm 450 triệu mua 12 máy làm hương. “Em tính 3 năm mới khấu hao xong mà giờ thế này… Nhà em tồn 10 tấn hương, tính ra khoảng 130 triệu đồng”, Cường kể. Khổ nhất, theo lời Cường, là giờ “sản xuất cũng chết, mà ngừng cũng chết, vì nguyên liệu để sản xuất hương nhang đã nhập về không để được lâu, như tăm hương (chân hương) nếu để hơn một tháng sẽ bị mối mọt”.  

Hai tuần nay, chị Bùi Thị Thương (xã Điệp Nông, Hưng Hà), hộ sản xuất hương nhang lớn nhất Thái Bình, sụt 3kg. Với vẻ mặt mệt mỏi chị cho biết, 5 năm trước, vợ chồng chị đầu tư 5 tỷ đồng mua 180 máy làm hương, giải quyết việc làm cho 210 lao động, mỗi tháng xuất khẩu 200 tấn hương thành phẩm. Hơn chục ngày nay, xưởng của chị Thương đóng cửa im lìm, toàn bộ công nhân nghỉ việc. Giờ cơ sự này tôi cháy nhà 2 đầu. Phía nhập hương nợ tôi 1,2 tỷ đồng, tôi cũng nợ 1,2 tỷ đồng nguyên liệu và lương công nhân. Chưa kể còn 800 triệu tiền hàng đọng lại. Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ hơn chục ngày nay”, chị Hương kể.

Ông Giáp đóng xưởng 2 tuần nay, gần 40 lao động mất việc Ảnh: H. Lan 

Người lao động cũng kêu cứu

 Xưởng ngừng sản xuất, đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất là chủ xưởng, sau đó là đến người lao động.

Căn bệnh tim cùng gia cảnh khó khăn, một mẹ một con nhỏ mới học lớp 6 khiến bà Trần Thị Kim, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ trông già hơn nhiều so với tuổi 52. Từ hơn 3 năm nay, bà Kim làm tại xưởng sản xuất hương trong xã. Công việc không mấy vất vả, lại tạo nguồn thu nhập ổn định từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/tháng dù không cao song cũng đủ để mẹ con bà trang trải những chi phí sinh hoạt tối thiểu. Từ đầu tháng 9 bà Kim được chủ xưởng thông báo sẽ phải ngừng hoạt động. Dù không rành rẽ việc kinh doanh của chủ, song bà Kim cũng ý thức được rằng, “chừng nào hàng chưa xuất đi được thì chừng đó bà không có việc làm”, đồng nghĩa tiền học của con, tiền ăn uống sinh hoạt của hai mẹ con tháng này và thậm chí cả những tháng sau đó sẽ không biết xoay xở thế nào.

Hai năm nay, cuộc sống của vợ chồng bà Nguyễn Thị Diên (58 tuổi) trông cả vào thu nhập bà nhận được từ xưởng sản xuất hương nhang của ông Nguyễn Văn Giáp. “Tuổi tôi chẳng nhà máy nào nhận. Hai vợ chồng lại không có lương. Làm ở xưởng hương mỗi ngày tôi được 80 - 100 nghìn đồng cũng đủ tiền rau mắm”, bà Diên cho biết. Hơn chục ngày nay xưởng của ông Giáp đóng cửa, bà Diên thất nghiệp, đồng nghĩa vợ chồng bà mất luôn khoản thu nhập ít ỏi. “Tới đây tôi cũng chưa biết xoay xở ra sao. Nhà có vài sào ruộng nhưng chuột phá quá, cố làm cũng không ăn thua”. Giống như tất cả những người làm cùng xưởng, bà Diên mong ông Giáp sớm xuất được hương để lại có “công việc và thu nhập đều đều”.

Hà Lan - Đan Thanh