“Mệnh lệnh” của Chủ tịch Quốc hội

- Thứ Sáu, 07/05/2021, 06:14 - Chia sẻ

Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Tuyên Quang sáng qua (ngày 6.5) Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho cuộc bầu cử.

“Không thể để các địa điểm bầu cử thành nơi lây nhiễm dịch bệnh. Đây là yêu cầu bắt buộc!”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

“Mệnh lệnh” của người đứng đầu Quốc hội đặt ra trong bối cảnh “làn sóng” Covid thứ 4 “thoắt một cái” đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố và cuộc bầu cử bắt đầu vào giai đoạn cần “tập trung đông người” khi các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 12 giờ ngày 6.5, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã ghi nhận 42 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong 42 ca này, có 33 ca tại 14 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn.

Riêng Hà Nội, cộng dồn từ ngày 29.4.2021 đến nay đã ghi nhận 9 ca mắc ngoài cộng đồng.

Đến tối 6.5, theo công bố của Bộ Y tế, tổng số ca lây nhiễm trong cộng đồng trên cả nước từ ngày 27.4 là 120 ca.

Tình hình dịch bệnh chắc chắn phức tạp hơn, “nóng” hơn trong những ngày sắp tới. Và cũng trong thời điểm này, những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức bước vào giai đoạn cao điểm của vận động bầu cử. Các ứng cử viên sẽ tham dự rất nhiều, có thể lên tới hàng chục cuộc tiếp xúc cử tri, cả ban ngày lẫn buổi tối và kéo dài cho tới sát ngày bỏ phiếu.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, những người ứng cử ở khối cơ quan của Quốc hội được giới thiệu về ứng cử tại các địa phương sẽ được xét nghiệm Covid-19. Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã đề nghị các cơ quan ở Trung ương, các tỉnh, thành phố ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho những người ứng cử trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao.

Mặc dù vậy, việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử kiểu “truyền thống” vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi khó lòng bảo đảm 2 chữ K là “khoảng cách” và “không tập trung” trong nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Hội trường xã, phường - nơi diễn ra các cuộc tiếp xúc cử tri phần lớn là nhỏ hẹp trong khi cử tri có thể lên tới cả trăm người...

Lúc này đòi hỏi ở các địa phương không chỉ tinh thần chủ động, cảnh giác, nghiêm túc phòng, chống dịch mà còn phải thích ứng với điều kiện mới nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công và tuyệt đối an toàn.

Tìm kiếm hội trường lớn hơn để bảo đảm khoảng cách hay chia nhỏ các cuộc tiếp xúc cử tri… là những giải pháp mang tính cơ học các địa phương có thể tính tới. Tuy nhiên, cách làm này rất vất vả cho cả địa phương và các ứng cử viên.

Giải pháp khác, như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, hệ thống truyền thanh để vừa bảo đảm hiệu quả của vận động bầu cử, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch.

Chẳng hạn, các địa phương có thể tính tới phương án tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến. Như vậy, cùng một lần, người ứng cử có thể tương tác với cử tri ở nhiều nơi. Đồng thời, tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên… trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh tới cấp xã.

Trong nguy có cơ. Tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến, nếu diễn ra trong cuộc bầu cử này, là cơ hội để mỗi ứng cử viên “rèn luyện” kỹ năng làm chủ công nghệ; đồng thời thúc đẩy “Quốc hội điện tử” - với ý nghĩa cốt lõi là tăng hiệu quả kết nối và tương tác giữa đại biểu với cử tri của mình thông qua các ứng dụng công nghệ hỗ trợ trực tiếp cho từng đại biểu.

Hà Lan