Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập:

Minh bạch để thành công

- Thứ Năm, 12/03/2015, 15:50 - Chia sẻ
Tại Hội nghị về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) công lập mới được tổ chức, nhiều rào cản, vướng mắc từ nhận thức đến sự chậm chạp trong ban hành chính sách, sự thích ứng và năng lực của các tổ chức KHCN đã được thẳng thắn chỉ ra. Các ý kiến cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN công lập trong năm 2015.

Vướng từ nhận thức đến chính sách
 
Nhằm tạo cú huých thúc đẩy hoạt động của các tổ chức KHCN công lập theo cơ chế thị trường sau một thời gian dài ngủ đông trong cơ chế bao cấp, năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập. Theo Bộ KHCN, sau 10 năm triển khai thực hiện, 100% tổ chức KHCN đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyên môn. Tuy nhiên, việc tự chủ trong các lĩnh vực tài chính, nhân lực, liên kết hợp tác chưa thực sự được như mong muốn. Theo lộ trình, đến năm 2009 tất cả các tổ chức KHCN công lập phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới, nhưng đến nay, các bước khởi động của quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Chẳng hạn, mặc dù đã nhiều lần gia hạn và hạn cuối phải thực hiện xong việc phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ trước tháng 12.2013 nhưng cho đến nay, vẫn còn 154/642 tổ chức KHCN chưa được phê duyệt đề án thực hiện.
 
Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, sở dĩ giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập kéo dài đến 10 năm mà vẫn chưa xong, chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Trong đó, vướng mắc lớn nhất chính là nhận thức và ý chí hành động từ người đứng đầu các tổ chức KHCN đến lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng đắn, đầy đủ, thiếu quyết liệt, nghiêm túc trong triển khai. Việc làm khoa học trong cơ chế bao cấp quá lâu khiến cho khi bước vào cơ chế thị trường, nhiều người đứng đầu các tổ chức KHCN bỡ ngỡ, thậm chí lo sợ.
 
Cũng phải nói rằng, chính việc thông tin chưa đầy đủ, chưa rõ ràng khiến tâm lý lo sợ này tồn tại trong nhiều năm. Rất nhiều người lầm tưởng chuyển sang cơ chế tự chủ sẽ bị cắt nguồn ngân sách, cắt giảm biên chế. Nhưng thực tế, chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì ngân sách nhà nước sẽ được giao theo cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài dự án, sản phẩm thay vì giao theo biên chế. Cơ chế mới nhằm bảo đảm ngân sách chi cho KHCN được sử dụng hiệu quả hơn, tạo được sự gia tăng và góp phần thực sự cho quá trình phát triển chung. Đồng thời, khuyến khích các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho KHCN, nâng cao thu nhập của người làm khoa học thực sự.


Nguồn: ITN

Bộ KHCN đánh giá, do chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ quy định của Nghị định 115 nên một số bộ, ngành, địa phương đã áp dụng không đúng đối tượng thực hiện cơ chế. Nhiều địa phương ỳ ạch trong việc phê duyệt đề án tự chủ cho các tổ chức KHCN, trong đó có những địa phương chưa phê duyệt được đề án nào như như Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu... Thậm chí, một số tổ chức đã được phê duyệt đề án sang loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng vẫn được cơ quan chủ quản bao cấp kinh phí hoạt động thường xuyên. Chính nhận thức chính sách chưa thông suốt, đầy đủ, có phần sai lệch khiến quá trình triển khai thực hiện chính sách chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với vướng mắc từ nhận thức, thì việc xây dựng chính sách, ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm. Nghị định ban hành từ năm 2005 những mãi đến năm 2014 mới có thông tư hướng dẫn xây dựng, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện thường xuyên của tổ chức KHCN, trong khi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định tính tự chủ của các đơn vị. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về định mức và phương thức cấp tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước cũng như hướng dẫn tổ chức KHCN công lập góp vốn bằng tiền, tài sản giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện các hoạt động KHCN, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thế chấp vay vốn ngân hàng.
 
Không chỉ do sự chậm trễ của việc ban hành văn bản, các tổ chức KHCN muốn tự chủ gặp khó khăn còn do sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Nghị định 115 trao quyền tự chủ cao về tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế cho các tổ chức, song ở một số văn bản khác, kể cả ở một số đạo luật lại hạn chế tự chủ như luật về thuế, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, Nghị định 115 cho phép tổ chức KHCN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Nhưng trên thực tế không thực hiện được, bởi theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Quyền tự chủ về nhân lực cũng không thể thực hiện do theo Luật Viên chức, Bộ Nội vụ mới có quyền phê duyệt vị trí việc làm.
 
Tự chủ để minh bạch, phát triển
 
Cho rằng một trong những vấn đề cốt tử trong đổi mới, phát triển KHCN hiện nay là phải công khai minh bạch từ khâu ra đề bài, đề tài, nội dung rồi quá trình nghiệm thu kết quả đến thông tin kết quả nghiên của KHCN ở trong và ngoài nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ chính là khâu quan trọng nhằm thực hiện công khai, minh bạch trong nghiên cứu KHCN ở Việt Nam hiện nay và các tổ chức KHCN công lập bắt buộc phải triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trước hết phải gỡ bằng được những vướng mắc liên quan đến việc chậm trễ và chồng chéo trong ban hành chính sách về cơ chế tài chính, nhân lực và hợp tác liên kết để tạo điều kiện cho các tổ chức KHCN công lập có thể tự chủ thành công. Tất cả các tổ chức KHCN không chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng kế hoạch sẽ bị cắt ngân sách. Đồng thời, Bộ KHCN phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng nghị định mới về tự chủ trong KHCN kèm theo đầy đủ thông tư hướng dẫn, gỡ bỏ hết những rào cản đang cản trở quá trình tự chủ của các tổ chức KHCN.
 
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đội ngũ lãnh đạo các tổ chức KHCN công lập trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu nêu quan điểm cần phải trao quyền xứng đáng cho đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức này, đồng thời Nhà nước cần phải đẩy mạnh các cơ chế đặt hàng để có những sản phẩm cuối cùng, mang lại hiệu quả thật sự. 
 
Để cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN công lập và các chính sách mới, tiến bộ phát triển KHCN được thực thi đầy đủ, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị QH, các cơ quan QH cần rà soát để các quy định trong các đạo luật mới ban hành sau không phủ quyết các quy định có tính đặc thù, tiến bộ trong Luật KHCN năm 2013. Ví dụ, có một số ý kiến đề xuất không quy định tỷ lệ phân bổ 2% GDP cho KHCN khi thảo luận dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Trong khi KHCN công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước, tỷ lệ chi này cũng đã được quy định trong Nghị quyết của Trung ương Đảng Khóa XI và Luật KHCN năm 2013. Bộ trưởng đề nghị Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) không quy định khác. Tóm lại, đối với các vấn đề liên quan đến đặc thù của KHCN được quy định trong các luật khác như Luật Đất đai, các luật về thuế, Luật Cán bộ, công chức thì đề nghị nên ghi là theo quy định của Luật KHCN. Có như vậy thì hệ thống luật liên quan đến KHCN mới không chồng chéo, bảo đảm những chính sách tiến bộ về KHCN có thể vào cuộc sống.

Tự Cường