Hỗ trợ việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù

Mở cánh cửa hoàn lương

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 06:57 - Chia sẻ
Nhằm hỗ trợ cho những phạm nhân chấp hành xong án tù tái hòa nhập cộng đồng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về vốn và đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định. Trong đó, phải kể đến Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17.4.2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều mô hình được triển khai

Theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, phạm nhân ra tù trước khi về nơi cư trú được hỗ trợ một khoản tiền. Ngoài ra được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành. 

Theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ, riêng về vấn đề tạo việc làm cho người mới ra tù có rất nhiều ưu tiên. Chẳng hạn, người chấp hành xong hình phạt tù còn được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công... Cùng với Nghị định số 49/2020, chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù cũng đã được quy định tại Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH. Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc tìm kiếm việc làm.

Tại Hà Nam, thực hiện các chính sách này, có nhiều mô hình được triển khai như: Mô hình “2 + 1” (2 cựu chiến binh giúp đỡ 1 người tù tha về địa phương) của Hội cựu chiến binh xã Bình Mỹ, huyện Bình Lục; mô hình “Chung tay góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” của phường Thanh Tuyền, TP. Phủ Lý; mô hình “Quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư góp phần phòng, chống tội phạm” của phường Lương Khánh Thiện…. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn, liên kết đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho những người có nhu cầu khi trở về địa phương. Nhờ đó, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 400 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương; hơn 350 trường hợp được xóa án tích tích cực lao động, làm ăn lương thiện, hòa nhập cộng đồng và có 9 mô hình tiêu biểu, 18 cá nhân điển hình trong công tác vận động, giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ cho vay vốn, giải quyết việc làm, 96 người chấp hành án phạt tù tiêu biểu, tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương.

Nhờ sự “tiếp sức” của chính sách rất nhiều người lầm lỡ đã trở thành giám đốc, gương sáng làm kinh tế giỏi. Trần Sùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành ở Thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Bị tuyên 7 năm tù vì tội buôn tiền giả, nhưng với nỗ lực của bản thân và nhờ chính sách đào tạo nghề tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), sau khi được đặc xá anh đã khởi nghiệp bằng nghề đã học được ở trại giam. Hiện, công ty Tuấn Thành không chỉ phát triển đá mỹ nghệ mà còn làm cả nghề xây dựng tạo việc làm cho gần 50 công nhân, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. 

Ngoài làm ăn phát triển kinh tế, ông Bàn còn tích cực tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương

Nguồn: ITN 

Hỗ trợ học nghề sớm

Rõ ràng, việc hỗ trợ vốn và đào tạo nghề được xem là cần câu giúp người phạm tội hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, góp phần ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, đánh giá chung về việc triển khai chính sách, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng nói chung, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong đó, nhiều địa phương thực hiện còn mang tính hình thức, lúng túng trong triển khai; chưa ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù... Chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp với đối tượng và định hướng nghề nghiệp sau khi chấp hành xong án phạt tù nên nhiều trường hợp phạm nhân đã được đào tạo nghề trong thời gian chấp hành án nhưng không phù hợp với nhu cầu lao động tại địa bàn nên khó tìm được việc làm.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho phạm nhân, ý kiến nhiều địa phương cũng cho rằng, cần phải được tiến hành bài bản ngay từ khi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Theo đó, Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thống nhất đề án cho phạm nhân được học nghề, truyền nghề trong quá trình cải tạo, lao động, sản xuất ở trại giam để có kế hoạch kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề, tạo điều kiện cho số phạm nhân này có điều kiện tạo việc làm hoặc xin việc làm có thu nhập, sớm ổn định đời sống khi chấp hành xong án phạt tù.

Thái Yến