Mở cửa là "gói hỗ trợ" thiết thực nhất

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:22 - Chia sẻ
Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đồng thời phải chịu những áp lực rất lớn về phòng chống dịch, kinh tế và hệ lụy tâm lý xã hội. Đi kèm với những áp lực này là việc sẽ có doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường. Đây là thiệt hại rất lớn, là tổn thất nặng nề đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bởi vậy, khi nước ta chuyển hướng chiến lược từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời Quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là tạm dừng thực hiện Chỉ thị 15, 16 và 19 trên toàn quốc; việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh cũng được hoạt động trong cả 4 cấp độ dịch là nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao; chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ của các địa phương là tiền đề đặc biệt quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế.

Đây là quyết định đúng đắn, bởi việc mở cửa chính là "gói hỗ trợ" thiết thực nhất cho doanh nghiệp vì thời gian qua đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn như giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; do siết chặt đi lại của người lao động nên sản xuất không diễn ra bình thường; chuỗi cung ứng bị đứt gãy; chi phí của doanh nghiệp tăng rất nhiều, nhất là chi phí để thực hiện ''3 tại chỗ''.

Tuy nhiên, khi những "nút thắt" ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống người dân thời gian qua đã được tháo gỡ bởi Nghị quyết 128, điều quan trọng là thời gian tới cần tiếp tục có các chính sách cho các ngành, lĩnh vực mang tính dẫn dắt, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.

Cụ thể, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T”. Đó là “trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Thứ hai là “tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thứ ba là “thúc đẩy” doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực bằng các khóa đào tạo, tập huấn. Thứ tư là cải cách “thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh và cuối cùng là “tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Đặc biệt, tại Hội thảo phát triển địa phương với chủ đề Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương diễn ra vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp đề ra cần thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp…

Ngoài ra, các chính sách phải được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Trong hệ thống giải pháp, cần chú ý sự phản ứng kịp thời, nhanh nhạy - tức là khi có sự điều chỉnh một giải pháp, cần xem xét khả năng phải điều chỉnh các giải pháp khác để bảo đảm nhất quán.

Ninh Hà