Mở lại đường bay

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:32 - Chia sẻ
Xác định các điều kiện bảo đảm chống dịch của ngành hàng không đã sẵn sàng, Cục Hàng không đã có văn bản gửi 19 tỉnh, thành phố xin ý kiến mở lại đường bay nội địa. Đến trưa qua (5.10), đã có 10 địa phương phản hồi về đề xuất góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa giai đoạn 1. Đáng chú ý, có sự khác biệt lớn giữa các địa phương về quan điểm trong việc mở lại đường bay nội địa.

Cụ thể, 7 địa phương cơ bản đồng ý mở lại đường bay nội địa tới các địa phương khác gồm TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Còn lại 2 địa phương Hải Phòng, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đi/đến địa phương mình. Riêng Hà Nội đã có văn bản với hàng loạt đề nghị Cục Hàng không cần làm rõ trước khi mở lại chuyến bay, trong đó nhấn mạnh chỉ tổ chức khai thác các đường bay đi, đến sân bay Nội Bài nếu được sự thống nhất bằng văn bản với Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Như vậy, việc được “bay” trở lại hay không phụ thuộc vào độ “mở” của các địa phương. Có địa phương đồng ý, có địa phương từ chối đều cùng vì lý do là bảo đảm các biện pháp chống dịch. Nhưng ngăn chặn giao thông có phải là phương pháp tuyệt đối để phòng dịch bệnh? Điều này có mâu thuẫn với chủ trương thực hiện mục tiêu kép? Nhu cầu thông thương không phải nhu cầu của riêng thành phố mà là nhu cầu của cả nước. Nếu để mỗi địa phương làm một kiểu, một phương án, một kế hoạch, một chương trình, một chiến lược thì nước ta sẽ là “63 nền kinh tế”, câu chuyện liên quan đến liên kết vùng, liên kết hợp lực để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế sẽ không đạt được hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện các biện pháp y tế và phòng, chống dịch là điều bắt buộc. Nhưng chống dịch nghiêm ngặt quá mức, dẫn đến ngăn sông cấm chợ, không cho lưu thông hàng hóa, hành khách sẽ là rào cản không chỉ riêng với ngành hàng không mà còn là nhu cầu chính đáng của người dân. Thực tế nhiều người dân bị mắc kẹt tại các địa phương khác hàng tháng trời vì dịch, mong mỏi từng ngày hàng không hoạt động trở lại. Với gần 11 triệu người đã tiêm vaccine mũi 2 thì cần phá bỏ các rào cản để họ có thể lưu thông giữa các địa phương, sản xuất kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hướng dẫn tạm thời về vận tải hàng không đảm bảo thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng đã thiết kế khung chương trình “hành lang xanh”, trong đó hàng không có các chuyến bay xanh, luồng xanh, hành khách có thẻ xanh vaccine nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, có thể mở cửa giao thông hàng không, đường sắt song song với thực hiện các biện pháp chống lây lan dịch bệnh, ví dụ như giảm số chuyến kết hợp kiểm soát “thẻ xanh Covid”, xét nghiệm, test nhanh... mà vẫn bảo đảm sự lưu thông người và hàng hóa.

Trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại, chưa thể mở hết toàn bộ thì ít nhất cũng cần có đường bay cho những người đủ điều kiện an toàn được di chuyển hồi hương, làm việc và sinh hoạt trở lại. Cơ quan chức năng cần sớm tổng kết kinh nghiệm từ các chuyến bay quốc tế thử nghiệm hộ chiếu vaccine đã triển khai thành công để mở lại các chuyến bay nội địa. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Nó cũng đồng thời phù hợp với chiến lược sống chung an toàn với Covid của Chính phủ.

Duy Anh