Mở ra "mạng lưới sáng kiến"

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:26 - Chia sẻ
Sáng qua, dưới sự chủ trì và điều hành trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, gần 100 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, bao gồm cả chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, thảo luận cởi mở, thẳng thắn và “hiến kế” cho Quốc hội nhiều giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép trong thời gian tới.

Có sự đồng thuận của hầu hết các chuyên gia khi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào. Sau gần 2 năm chống dịch, nguồn lực quốc gia, nguồn lực địa phương và nguồn lực của doanh nghiệp, người dân đều đang kiệt quệ dần. Các biện pháp phong tỏa “cứng” ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thời gian thực hiện dài tới vài ba tháng như vừa qua không thể áp dụng thêm nữa. Như nhận định của một số chuyên gia, thì những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trong năm nay cho thấy, gần như hết hy vọng về chính sách "Zero Covid". Sống chung với dịch bệnh đã và đang trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. 

Và như vậy, việc Thủ tướng gần đây đã đề cập đến chuyển đổi mô hình chống dịch từ “Zero Covid” sang “sống chung an toàn với dịch”, theo các chuyên gia, là rất đúng đắn. Thậm chí, phải quyết liệt hơn nữa trong triển khai xây dựng và thực hiện khung chương trình, kế hoạch tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện mới, xác định rõ lộ trình và các mục tiêu ưu tiên, giải pháp, chính sách cụ thể trong từng giai đoạn.

Tuy vậy, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại chính là khâu tổ chức thực thi chính sách. Bởi lẽ, thời gian qua, dù quan điểm của Trung ương về thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới đã được xác định rất rõ ràng. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ những khó khăn về cơ sở pháp lý, kịp thời hỗ trợ Chính phủ thực hiện được ngay các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt để phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, nhưng tư duy và hành động của các địa phương lại rất khác nhau. Đây là “trở lực” rất lớn làm suy giảm hiệu quả của các chính sách thời gian qua.

Nhiều ví dụ được các chuyên gia dẫn chứng như: Xe chở thiết bị y tế - hàng hóa vô cùng thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch - nhưng phải chờ đến sự can thiệp của Trung ương mới đi được từ TP. Hồ Chí Minh về Sóc Trăng. Hay phản ánh của một Đại sứ về việc một giám đốc sở, một trưởng ban quản lý khu công nghiệp lại có quyền ra lệnh đóng cửa một doanh nghiệp có quy mô 5.000 - 6.000 công nhân trong khi doanh nghiệp đó đã rất cố gắng đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch để duy trì sản xuất.

"Tư duy cấm cản, cấp phép đang phổ biến trở lại ở các địa phương. Nếu không chấm dứt được tình trạng này sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn đối với sự phát triển trong thời gian tới, vì nhà đầu tư cảm nhận đó là những bất ổn, mong manh của môi trường kinh doanh. Chúng ta có thể từ đang rất lợi thế chuyển sang bất lợi nếu quản trị dịch bệnh không phù hợp, không đúng với thực tế và không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế về dài hạn”, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh. 

Như vậy, dù lựa chọn giải pháp chính sách chống dịch và phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn thế nào thì một vấn đề phải tập trung giải quyết chính là thống nhất cho được cả về nhận thức và hành động, cả về tư duy và thực thi chính sách ở tất cả các cấp độ, từ Trung ương xuống đến địa phương, từ các bộ, ngành đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ở đây, có vai trò hết sức quan trọng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương. Nhấn mạnh điều này, nhiều chuyên gia mong muốn, Quốc hội cần tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình quản trị quốc gia. 

Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi những giải pháp đặc biệt, trong đó, có những việc phải được điều chỉnh hết sức khẩn trương, không thể chờ đến các kỳ họp thường niên của Quốc hội. Cùng với sự vào cuộc hết sức chủ động, làm ngày làm đêm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ Chính phủ như vừa qua, các chuyên gia cho rằng, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động tổ chức các phiên giải trình, điều trần về các đề xuất chính sách cũng như các vấn đề được cử tri, Nhân dân phản ánh, bức xúc. Ví dụ chuyển đổi mô hình chống dịch thì lộ trình chuyển đổi như thế nào? Tiêm vaccine ra sao? Giãn cách như thế nào? Dữ liệu thông tin để ban hành chính sách có đầy đủ không? Đã đánh giá tác động thấu đáo hay chưa?

Các ủy ban của Quốc hội cần chủ động hơn nữa trong việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của chính sách và chủ động yêu cầu/đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải giải trình mạch lạc về những vấn đề liên quan, từ đó, gia tăng tính khả thi, tính thống nhất, minh bạch của chính sách. Cùng với đó, các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương phải giám sát chặt chẽ quá trình thực thi chính sách ở địa phương, khắc phục tình trạng cát cứ, “địa phương hóa” trong thực thi chính sách.

Diễn ra trong hơn 4 giờ đồng hồ, song rất nhiều giải pháp và khuyến nghị cụ thể đã được các chuyên gia gửi đến Chủ tịch Quốc hội. Ngay sau tọa đàm, các cơ quan của Quốc hội sẽ tổng hợp, nghiên cứu các đề xuất này trong quá trình thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, từ đó chắt lọc và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới.

Thành công của tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, không chỉ ở tinh thần trách nhiệm, khát khao cống hiến của các chuyên gia đối với Quốc hội, vì sự phát triển bền vững của đất nước mà từ đây còn mở ra “mạng lưới sáng kiến” của Quốc hội, quy tụ đội ngũ chuyên gia đóng góp thường xuyên cho hoạt động của Quốc hội.

Với đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, việc thiết lập và vận hành một mạng lưới chuyên gia của Quốc hội như vậy là cách thức hiệu quả nhằm cung cấp các ý kiến chuyên sâu, độc lập, khách quan cho Quốc hội, hỗ trợ đắc lực cho Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Thành công của tọa đàm cũng một lần nữa khẳng định quan điểm và quyết tâm “với sự chung sức đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn đặc biệt hiện nay”.

Lam Anh