Quỹ bảo vệ môi trường toàn cầu

Mở rộng chương trình tài trợ các dự án nhỏ

- Thứ Ba, 26/06/2018, 09:22 - Chia sẻ
Gần 500 đại biểu đến từ hơn 30 quốc gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu tại hội thảo “Mở rộng chương trình tài trợ nhỏ của GEF: Kinh nghiệm từ danh mục quỹ thích ứng”. Đây là sự kiện trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6).

Đã tài trợ 582 triệu USD

Theo Chủ tịch GEF, kiêm Giám đốc điều hành Quỹ môi trường toàn cầu Naoko Ishii, trong hơn 25 năm qua, Quỹ môi trường toàn cầu đã đưa ra nhiều hành động bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng thông qua chương trình tài trợ cấp nhỏ do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện. Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu đã chiếm một vị trí đặc biệt trong toàn bộ kiến trúc GEF. Thông qua cách tiếp cận độc đáo đã thúc đẩy cộng đồng địa phương đổi mới, cộng tác với các tổ chức xã hội dân sự. Mặt khác, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu hướng tới tăng cường tác động và phát huy tính bền vững về khu vực địa lý, vấn đề ưu tiên; liên kết các kết quả dự án với các vấn đề chính sách, thể chế; nhân rộng và nâng cấp dự án - huy động nguồn lực - quản lý tri thức. Đồng thời, chương trình cũng kết hợp với mục tiêu sinh kế bền vững và xóa đói giảm nghèo - hướng đến các cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương - đó là chìa khóa cho sự thích ứng và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch Tài chính Phát triển của Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg nhấn mạnh: Đây là thời điểm quan trọng khi môi trường toàn cầu đang có xu hướng xấu đi và chúng ta có thể cảm nhận được hậu quả ngày càng nghiêm trọng, do vậy GEF “sẵn sàng có những sự tài trợ, đầu tư lớn hơn cho những dự án nhằm phát triển và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu“.

Đến nay, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu đã triển khai 21.600 dự án, tài trợ 582 triệu USD cho các quốc gia trên thế giới thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường ở cấp cộng đồng; thử nghiệm các ý tưởng mới, sáng tạo thông qua các dự án trình diễn ở cấp cộng đồng.


Toàn cảnh hội thảo

150 dự án được triển khai ở Việt Nam

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, kinh nghiệm thúc đẩy sự cộng tác giữa chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu và quỹ thích ứng để giúp các cộng đồng nghèo, dễ bị tổn thương và thiệt thòi thích nghi với biến đổi khí hậu, mở ra con đường dẫn tới đa lợi ích toàn cầu. Đại diện tổ chức liên đoàn môi trường quốc tế, ông James Hardcastle cho biết: Hiện ở Việt Nam, có một số khó khăn về khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia. Điển hình như khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà rất gần thành phố, ảnh hưởng của sự tác động từ con người và thiên nhiên là đáng kể cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy cần có những phương pháp bảo tồn đúng cách để giữ gìn mảng xanh trong lòng thành phố. Đồng quan điểm, đại diện chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu đề xuất tài trợ dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại Đà Nẵng, trong đó tập trung vào các nội dung nâng cao năng lực và nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng.

Được biết, chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam của Quỹ môi trường toàn cầu triển khai ở Việt Nam từ năm 1999, ưu tiên các lĩnh vực là bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, thoái hóa đất và hoang mạc hóa, quản lý bền vững; các vùng nước quốc tế; nâng cao năng lực và quản lý tri thức.

Sau hơn 18 năm triển khai tại Việt Nam, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu Việt Nam đã tài trợ cho 150 dự án, triển khai tại 110 xã của 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mặc dù với nguồn lực nhỏ nhưng các dự án chương trình tài trợ đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa rộng. Nhiều dự án đã được nhân rộng với nguồn lực của các nhà tài trợ khác và chương trình của Chính phủ. Các ban, ngành và nhiều địa phương đánh giá cao kết quả các dự án chương trình tài trợ các dự án nhỏ của quỹ môi trường toàn cầu mang lại cho người dân, góp phần đáng kể trong việc xây dựng năng lực và tăng cường uy tín của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.

CÁT THÀNH