Phòng ngừa, đẩy lùi tín dụng đen

Mở rộng dịch vụ, chú trọng tuyên truyền

- Thứ Năm, 29/10/2020, 07:12 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19, lũ lụt, xâm nhập mặn… không chỉ làm kiệt quệ nền kinh tế; tác động tiêu cực đến hầu hết mọi mặt đời sống xã hội mà còn là cơ hội để các đối tượng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) hoành hành trở lại, bủa vây người dân, nhất là bà con nông dân khi họ cần vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Để phòng, tránh những thiệt hại do tín dụng đen gây ra, mới đây, Bộ Công an và ngành ngân hàng đã tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hòa Bình.

Nhận diện đúng sẽ phòng tránh được!

“Lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định; việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật” là hai đặc trưng cơ bản của tín dụng đen đã được Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự Trung tá Ngô Hồng Vương chỉ ra. Theo ông Vương, tín dụng đen sẽ không có đất sống nếu người dân nhận diện đúng những đặc điểm này; đồng thời, khuyến nghị bà con nên tìm đến các tổ chức tín dụng (TCTD) chính thống khi có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh hay phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng, Agribank giúp người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng

Thống nhất với quan điểm của Trung tá Ngô Hồng Vương, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, với tín dụng đen, cần chủ động phòng là chính. Theo Thượng tướng, trong thời gian tới, cần phải chủ động phòng, chống, nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, Bộ Công an cần phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vay tiền, cầm cố tài sản trên không gian mạng, nhất là loại hình vay trực tuyến, vay ngang hàng theo hướng tăng hình phạt, siết quản lý hành vi cho vay, ngăn chặn hoạt động biến tướng, phòng ngừa rủi ro…

“Muốn người dân hiểu và nhận biết được bản chất của tín dụng đen, tất cả TCTD cần tăng cường truyền thông về sản phẩm tín dụng tiêu dùng để người dân biết tới. Đây vừa là hình thức cạnh tranh lành mạnh, tích cực, vừa giúp ngân hàng thu hút khách” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định và giao trách nhiệm cho các TCTD.

Theo ông Đào Minh Tú, vay vốn phục vụ nhu cầu đột xuất là yêu cầu chính đáng của người dân. Đáp ứng nhu cầu này, Đảng, Nhà nước, ngành ngân hàng đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Vì thế, khi có ý định vay vốn, người dân hãy chủ động tìm đến ngân hàng gần nhất trên địa bàn mình sinh sống để tìm hiểu, giao dịch; tuyệt đối không cho tín dụng đen có cơ hội lại gần mình. Hệ thống ngân hàng sẽ bảo đảm thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng khi người dân có mục đích vay chính đáng.

Tuy nhiên, để ngăn chặn, hạn chế tín dụng đen một cách hiệu quả, nhất là tại địa bàn nông thôn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, ngoài các giải pháp của ngành ngân hàng, rất cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen, đưa ra các chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây tín dụng đen.

Nỗ lực của Agribank

Là Ngân hàng gắn bó mật thiết với nông dân, nông thôn, các chương trình tín dụng của Agribank luôn được coi là đối thủ “đáng gờm” của tín dụng đen. Với dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ, chiếm gần 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam, Agribank đã giúp cho ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc; đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu và kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thời gian qua, với vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Agribank đã dành nhiều gói vay ưu đãi nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực “Tam nông”; góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh các khoản vay giá trị lớn, những khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ cũng được Agribank quan tâm phát triển.

Theo Phó tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, song song với cho vay tiêu dùng thông thường, Agribank đã dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình như khám, chữa bệnh, chi phí học tập, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình với lãi suất ưu đãi, thủ tục phê duyệt giải ngân nhanh chóng. Kết quả, doanh số cho vay 19.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần quy mô dự kiến ban đầu là 5.000 tỷ đồng với trên 400.000 khách hàng được vay vốn. Qua đó, Agribank đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Hiện nay, Agribank đang cung cấp trên 200 sản phẩm về dịch vụ ngân hàng phục vụ cho 16 triệu khách hàng, trong đó 12 triệu khách hàng giao dịch tiền gửi, thanh toán và gần 4 triệu khách hàng vay vốn. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn đa dạng của khách hàng, Agribank đã cung cấp gần 40 sản phẩm tín dụng phục vụ nông dân như cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ đối với khách hàng cá nhân; cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; cho vay qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; triển khai đề án thẻ nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi… “Đây cũng chính là những giải pháp căn bản để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen” -  ông Phạm Toàn Vượng nói.

Trong bối cảnh đất nước đang phải trải qua những khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh; người dân vừa phải tìm cách thích ứng, vừa phải gồng mình khắc phục những khó khăn để phát triển kinh tế, Agribank luôn chủ động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn; nắm bắt kịp thời diễn biến của dịch bệnh để triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý; đồng thời chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong cho vay tiêu dùng, nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn. 

Đức Kiên