Mở rộng đối tượng chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

- Thứ Bảy, 23/06/2012, 08:33 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hội nhập và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao kết quả và kinh nghiệm khoa học và công nghệ (KH - CN) qua biên giới, cần mở rộng đối tượng chi của Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp.

Quỹ phát triển KH – CN của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Quỹ) thuộc sở hữu doanh nghiệp, hình thành chủ yếu từ các nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, các khoản tài trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp, trong và ngoài nước và phục vụ cho mục tiêu, yêu cầu phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Quỹ được thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của KH - CN, yêu cầu cạnh tranh và mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động phát triển KH - CN của doanh nghiệp sẽ ngày càng đa dạng và mở rộng. Do đó, cần mềm dẻo các nội dung, mức và quy trình hỗ trợ tài chính cho hoạt động KH - CN của doanh nghiệp (bao gồm cả của công ty thành viên, công ty con trong trường hợp là Quỹ của tổng công ty, công ty mẹ).


Nguồn: zenolab.com

Nên mở rộng đối tượng chi của Quỹ cả cho các hoạt động đầu tư KH - CN của doanh nghiệp với các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chẳng hạn, để đào tạo lao động ở nước ngoài phục vụ chuyển giao công nghệ, thiết bị, sẽ là không hợp lý khi doanh nghiệp không được phép cấp kinh phí từ Quỹ cho các hoạt động tham quan và tập huấn kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao KH - CN ở nước ngoài (nhất là trường hợp doanh nghiệp có mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ nước ngoài), trong khi ngay cả các đề tài KH - CN từ nguồn ngân sách nhà nước cũng không bị những hạn chế này.

Đặc biệt, nên loại bỏ các quy định kiểu can thiệp quan liêu vào quy trình quản lý Quỹ. Doanh nghiệp cần được toàn quyền chủ động và linh hoạt cấp kinh phí cho mọi đề tài, dự án nghiên cứu và hoạt động KH - CN nào mà mình thấy cần thiết và không thuộc phạm vi hoạt động bị cấm bởi pháp luật có liên quan, hoàn toàn không cần phải thông qua bất kỳ một sự cho phép nào của cơ quan quản lý nhà nước. Đề tài, dự án KH - CN, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của doanh nghiệp cũng không cần phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học có thẩm quyền xác nhận hoặc phê duyệt, mà chỉ cần doanh nghiệp làm đủ thủ tục đăng ký và báo cáo theo mẫu quy định, cũng như có đủ chứng từ tự ghi về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu, có thể có hay không có hội đồng đánh giá đầu vào, hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả đầu ra. Cần nhấn mạnh rằng, không nên tư duy quản lý Quỹ kiểu áp đặt máy móc và mô phỏng như quản lý nhà nước đối với chi ngân sách cho KH - CN kiểu cũ. Bởi vì như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì cả Sở KH - CN và Sở Tài chính cũng không thể có đủ nhân lực, thời gian và trình độ, kinh phí cho việc xác nhận, thông qua thủ tục các hoạt động KH - CN của hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên địa bàn được.

Ngoài ra, nên mềm hóa quy định về thu hồi phần thuế thu nhập doanh nghiệp từ các khoản tiền trích lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Cụ thể, chỉ nên thu hồi thuế thu nhập hoặc buộc xuất toán những khoản chi của Quỹ nào không sử dụng đúng mục đích, còn dùng không hết sau 5 năm vẫn được kết dư như một khoản tiết kiệm, tích lũy dài hạn của doanh nghiệp. Điều này là cần thiết để tránh việc doanh nghiệp buộc phải biến báo làm giả chứng từ, hoặc cố chi hết cho những mục tiêu chưa cần thiết, trong khi thiếu vốn tích lũy chi cho những hoạt động KH - CN dài hạn, đòi hỏi vốn lớn trong bối cảnh thu nhập của doanh nghiệp có hạn, và chi cho KH - CN ngày càng đắt đỏ, tốn kém và nhiều rủi ro hơn.

Nguyễn Minh