Mở rộng đối tượng, tăng thời hạn hỗ trợ

- Thứ Ba, 10/08/2021, 06:40 - Chia sẻ

Mở rộng hơn loại hình doanh nghiệp được hỗ trợ, tăng thời hạn hỗ trợ là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Khẳng định sự cần thiết, tính hợp lý trong việc xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong các năm 2018, 2019, 2020 và không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp là hợp lý.

Bởi, kết quả điều tra gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố do VCCI thực hiện cuối năm 2020 cho thấy, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực tế tiếp cận được và đánh giá cao về tính hiệu quả, sự hữu ích đều cao hơn hẳn các nhóm giải pháp khác hỗ trợ về vốn, về cho vay trả lương cho người lao động… Tuy nhiên, để các giải pháp trên được kịp thời, đúng, trúng đối tượng, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến cần tăng thời hạn hỗ trợ, mở rộng đối tượng được hỗ trợ. 

Đơn cử, dự án nghị quyết quy định: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm có hiệu lực của nghị quyết đến hết ngày 31.12.2021 đối với doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực… Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021.

Trong khi đó, từ thực tiễn phòng, chống dịch cho thấy, sớm nhất thì phải đến quý I.2022, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả và ổn định của chính sách hỗ trợ, để những chính sách này có hiệu lực thực tế, đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ sang đến hết tháng 6.2022.

Ngoài đề xuất tăng thời hạn áp dụng, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn mở rộng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Với quy định, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho “người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng” sẽ loại bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi, Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Hơn nữa, Báo cáo Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam thì có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36% và doanh nghiệp FDI là 34%. Doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn.

Cụ thể, mức giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn lần lượt ở mức 39%, 33%, 32% và 30%. Với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có mức giảm doanh thu ở mức 36% và 35%, các doanh nghiệp quy mô vừa, lớn có mức giảm doanh thu ở mức 31% và 30%. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Phạm Hải