Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Mở rộng thẩm quyền của Thường trực HĐND

- Thứ Hai, 20/05/2019, 06:25 - Chia sẻ
Khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần tiếp tục quy định Thường trực HĐND là cơ quan Thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đồng thời tiếp tục mở rộng thẩm quyền cho Thường trực HĐND.

Lúng túng và nhiều ý kiến khác nhau

Điều 52 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định “Thường trực HĐND do HĐND cùng cấp bầu ra”. Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND”. Để tương xứng với vị trí cơ quan thường trực, Thường trực HĐND theo Luật năm 2015 được tăng cường tổ chức và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; cấp huyện gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND. Bên cạnh 10 nhiệm vụ của Thường trực HĐND (Điều 104), còn bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Thường trực HĐND (Điều 105), phiên họp Thường trực HĐND (Điều 106) và việc tiếp công dân của Thường trực HĐND (Điều 107).


Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu tổ chức phiên giải trình tháng 5.2019

Tuy nhiên, cả Luật 2003 và Luật 2015 đều không quy định về cơ chế để xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trước đây, Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 quy định Thường trực HĐND phối hợp với UBND giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của HĐND theo đề nghị của UBND, Ban của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất (Khoản 4, Điều 21). Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định Thường trực HĐND có nhiệm vụ “phối hợp với UBND trong việc chuẩn bị kỳ họp của HĐND”.

Với quy định này, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp khá lúng túng và có nhiều ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Thường trực HĐND chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp phát sinh thì tổ chức kỳ họp HĐND bất thường để xem xét, quyết định. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Khoản 3 Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định, khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”. Do đó, trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND sẽ xem xét, giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền của HĐND.

Hiện nay, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của UBTVQH ngày 30.1.2019 quy định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định. Với quy định này thì Thường trực HĐND chỉ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mọi vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND phải được giải quyết tại kỳ họp HĐND, không có bất cứ hình thức ủy quyền, giao quyền, phân công của HĐND đối với một chủ thể khác để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được luật định là của HĐND. Tuy nhiên, việc tổ chức phiên họp bất thường cũng có khó khăn nhất định như vấn đề kinh phí hay các công việc không phát sinh cùng lúc. Do đó, cần nghiên cứu quy định một cách linh hoạt hơn về cách thức giải quyết vấn đề này.

Cũng có ý kiến đề nghị tăng cường hơn nữa số kỳ họp thường kỳ của HĐND cấp tỉnh bởi đây mới là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tránh tình trạng giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp. Số lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh trong một năm nên là 4 kỳ như trước đây và tiến tới có thể họp thường xuyên hơn là 6 kỳ (hai tháng họp một lần). 

Đổi mới phương thức hoạt động của Thường trực HĐND

HĐND là thiết chế thực hiện quyền lực của nhân dân địa phương, hay nói cách khác, trong chế độ dân chủ, quyền lực của nhân dân địa phương được tập trung trong một cơ quan đại diện cho họ trong việc giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng của đời sống xã hội ở địa phương. Trách nhiệm của cơ quan thực hiện quyền lực của nhân dân là nhằm bảo đảm ý chí, nguyện vọng của nhân dân được thực hiện. Nói cách khác, dù thẩm quyền thuộc ai thì trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp vẫn thuộc cấp chính quyền địa phương đó. Từ nguyên lý này, HĐND, cơ quan Thường trực HĐND và UBND cần một cơ chế hợp lý để thực thi quyền lực, phối hợp thực hiện và giải quyết công việc. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần tiếp tục quy định Thường trực HĐND là cơ quan Thường trực của HĐND, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 6); đồng thời tiếp tục mở rộng thẩm quyền cho Thường trực HĐND.

Với xu hướng tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND hiện nay, cần nghiên cứu cơ chế hoạt động hiệu quả hơn đối với Thường trực HĐND. Theo đó, cải tiến cách thức tổ chức phiên họp của Thường trực HĐND theo hướng mở rộng thành phần đến các đại biểu HĐND có điều kiện tham dự. Khi đó, nếu thấy cần thiết thì việc quyết định tổ chức kỳ họp bất thường cũng có thể quyết định ngay vì có nhiều hơn 1/3 tổng số đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND (Khoản 4 Điều 104). Thành phần mở rộng và nội dung phong phú, thiết thực sẽ là chìa khóa để nâng cao hiệu quả giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của HĐND, của Thường trực HĐND.

HỮU MINH