Phụ phẩm nông nghiệp

"Mỏ vàng" chưa được khai thác

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:45 - Chia sẻ
Hàng năm, lượng phụ phẩm dư thừa trong quá trình chế biến nông sản, thực phẩm của nước ta rất lớn, nếu tận dụng được, ngành nông nghiệp có thể thu về hàng tỷ USD.

Nguồn nguyên liệu khổng lồ

Theo Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của nước ta năm 2020 đạt trên 156,8 triệu tấn. Trong đó, phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt là 88,9 triệu tấn (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (chiếm 10,6%). Riêng vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguồn phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, các phụ phẩm nông nghiệp phổ biến có thể kể tới như vỏ trấu, mùn cưa, bã mía, cùi ngô, bẹ ngô, xơ dừa, rơm, rạ. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ luôn tồn tại và ngày càng gia tăng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nếu được khai thác bằng các công nghệ cao, tái sản xuất bằng công nghệ sinh học và đưa vào sử dụng thì sẽ tạo nên một nền nông nghiệp tuần hoàn, là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, vỏ cà phê, rơm rạ có thể ủ để làm phân bón hữu cơ; bã mía tận dụng trong sản xuất giấy. Hay chỉ với một cây dừa, lá có thể dùng che dưới gốc cây giúp đất không bị khô và hạn chế mọc cỏ; xơ từ vỏ quả dừa lại được tận dụng làm thảm, phần cứng của vỏ để sản xuất than hoạt tính còn cùi và nước dừa làm đồ uống, thực phẩm.

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu. Tính riêng ngành thủy sản, chế biến phụ phẩm hiện đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao, chế biến thành các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thì có thể thu về 4 - 5 tỷ USD. 

Chỉ có 56,3% rơm lúa được thu gom và sử dụng

Nguồn: ITN 

Chưa có chính sách khuyến khích đầu tư

Tuy số lượng phụ phẩm rất lớn nhưng tỷ lệ thu gom phụ phẩm rất thấp: Trồng trọt chỉ đạt 52,2%; lâm nghiệp 50,2%; chăn nuôi 75,1% và thủy sản có tỷ lệ thu gom cao nhất với 90%. 

Theo ông Ngô Quốc Cường, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học R.E.P, việc tận thu và tái sản xuất phụ phẩm nông nghiệp hiện còn nhiều hạn chế như thiếu vắng chuyển giao khoa học kỹ thuật; khâu tổ chức thu mua còn rời rạc, manh mún; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tái sinh khiến nguồn nguyên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp đang bị lãng phí, chưa tạo ra được những sản phẩm tuần hoàn. Nhà nước cũng chưa có các chính sách khuyến khích đầu tư dành cho doanh nghiệp nên việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu tự phát theo quy mô hộ nông dân. 

Một số nơi còn xử lý phế phẩm bằng biện pháp chôn lấp, đốt bỏ, đổ xuống ao hồ gây ô nhiễm môi trường. Ông Cường lấy ví dụ, hạt lạc sau khi ép lấy tinh dầu thì phần bã khô còn lại tại các nhà máy thường bị bỏ đi thay vì dùng để làm thức ăn cho gia súc vì không có doanh nghiệp chăn nuôi nào đứng ra thu mua. Hoặc sau mùa gặt, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.  

Các chuyên gia cho rằng, muốn có được nền nông nghiệp tuần hoàn thì phải có doanh nghiệp đứng ra đầu tư, dẫn dắt tạo thành chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành. Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước phải đổi mới để phù hợp với xu thế của thị trường, thu hút doanh nghiệp thông qua giảm thuế, hỗ trợ về đất đai, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản. Chính sách của địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các hợp tác xã, tổ chức khuyến nông và hội nông dân địa phương cần nâng cao tuyên truyền để nông dân chú trọng hơn việc tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp.

Minh Trang